Lựa chọn ngành để học và rồi theo đuổi nó để làm việc trong phần lớn cuộc đời mình là một việc quan trọng cần được cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng về nhiều yếu tố như sở trường, năng lực của mỗi cá nhân cũng như thực tế của ngành học hay triển vọng phát triển công việc cũng như những thách thức mà nó đem đến cho bạn.
Tuy nhiên, vì lý do khác nhau nhiều người đã đưa ra những lựa chọn ngành, nghề không thực sự phù hợp với bản thân mình.
Và hậu quả của sự lựa chọn này là gì?
Bài viết dưới đây của A2Z sẽ đưa ra một vài ví dụ giúp bạn hiểu rõ hơn về rủi ro trong việc lựa chọn sai ngành học và làm sai nghề với khả năng và sở thích bản thân…
Theo tác giả Erika Boissiere tại một bài chia sẻ trên Forbes.com, cô đã mất 4 năm đại học và 10 năm trong ngành tài chính để nhận ra thực tế mình đang không ở trong lĩnh vực mình phù hợp và xây dựng đủ dũng khí để theo đuổi công việc mình mơ uớc.
“Đó là tiếng vo ve trong đầu bạn hằng đêm, khiến bạn thức giấc”. Cô chia sẻ sự nghi ngờ về sự nghiệp của bản thân. “Đó là những ánh đèn nháy đỏ thấm vào từng suy nghĩ của bạn”. Quả thực như vậy, hàng ngày, hàng giờ, khi làm một công việc mà bạn biết rằng mình không phù hợp, tâm trí của bạn sẽ luôn có 1 sự phản kháng, một giọng nói thôi thúc bạn tìm kiếm, theo đuổi công việc khác mà mình thực sự mong muốn.
Với những người chọn sai nghề, khi quyết định rẽ ngang để theo đuổi một công việc nào đó thường là sự dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, đòi hỏi phải có những kĩ năng, kinh nghiệm làm việc rất khác với những gì họ đã biết trước đó.
Nếu lựa chọn sai ngành học.
Những điều chúng ta sẽ mất, ít nhất là khoảng thời gian 4 năm học đại học, cũng là 4 năm của tuổi thanh xuân, độ tuổi thích hợp nhất cho việc học tập và thu nạp kiến thức. Điều mất tiếp theo là những cơ hội bị lãng phí.
Thời gian là thứ sẽ không bao giờ có lại được, tất cả bị bỏ dở khi một ngày nào đó bạn tự nhận ra rằng ngành mình đang theo học không mang lại một công việc phù hợp với bản thân trong tương lai.
Nếu lựa chọn sai công việc.
Khi đi làm, nhiều gánh nặng mà bạn sẽ phải làm quen đó là trách nhiệm trong chính công việc bạn làm, áp lực phải hoàn thành nó theo thời hạn được giao và áp lực thăng tiến trong một môi trường có nhiều cá nhân khác cạnh tranh.
Việc chọn công việc không phù hợp với năng lực bản thân sẽ khiến bạn khó có thể phát huy được hết thế mạnh của mình, từ đó sự phát triển trong nghề nghiệp chắc chắn sẽ không đạt được tới những thành quả như bạn mong đợi.
Nếu đã gắn bó với một công ty nào đó hay một công việc trong thời gian dài (trên 2 năm), bạn sẽ có tâm lý là mình đang ổn định, đang sống yên bình và quen với guồng công việc ấy. Và từ đó, việc từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi công việc yêu thích khác sẽ trở nên khó khăn hơn, tuy công việc hiện tại không khiến bạn thực sự hạnh phúc, nhưng nó là những gì bạn biết và để từ bỏ nó sẽ thật khó khăn, điều này càng khiến bạn khó phá vỡ được tấm vỏ an toàn và chạm tới được công việc thực sự dành cho mình.
Đối với tác giả Erika, như đã nhắc đến ở trên, cô đã dành 4 năm học đại học và 10 năm trong ngành tài chính, tổng cộng 14 năm trời để nhận ra rằng thực sự bản thân mình mong muốn trở thành một bác sĩ tâm lý.
Lựa chọn này của cô không đến ngẫu nhiên mà là một quá trình đấu tranh, chối bỏ, chiêm nghiệm, mày mò tìm kiếm để khám phá bản thân. Để đưa ra được quyết định thay đổi công việc sau hơn 10 năm, cô đã phải xác định được những thử thách đang chờ đợi mình: từ bỏ một công việc ổn định, lương tốt, phúc lợi đầy đủ; bắt đầu lại từ đầu trong một lĩnh vực hoàn toàn mới; 3 năm học thạc sĩ ngành Tâm lý học với mức chi phí lớn, bước vào một ngành nghề mới với nhiều rủi ro…
Ở một hoàn cảnh khác và một quốc gia khác vào thời điểm của những năm 2010, Nguyễn Lan Phương, khi đó là một nữ sinh trung học ở tại một vùng ngoại ô Hà Nội. Khi học hết cấp 3, cô quyết định theo chúng bạn thi tuyển vào ngành tài chính kế toán với hy vọng sẽ dễ dàng kiếm được một công việc theo nghề này tại Hà Nội.
Hơn 4 năm sau, khi cô ra trường cũng là thời điểm của sự bùng nổ về CNTT. Và cũng là thời của các dịch vụ ‘outsource’.
Xu hướng chung của các doanh nghiệp là áp dụng triệt để công nghệ vào công việc quản trị và sử dụng các dịch vụ được cung cấp từ bên ngoài nhằm giảm tối đa chi phí và tối ưu hoá việc quản lý nhân sự.
Do vậy, những công việc liên quan đến kế toán bị cắt giảm đáng kể.
Giờ đây người ta không còn thấy cả đống tài liệu bằng giấy chất chồng trong các tủ tài liệu trong các phòng kế toán như trước. Thay vào đó là những phần mềm chuyên ngành kế toán gọn nhẹ, giúp công việc của kế toán viên trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả gấp bội.
Thêm nữa, các thủ tục có thể thực hiện với các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, thống kê hay bảo hiểm xã hội đều đã được thao tác trên không gian mạng…
Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu nhân sự cho nghề này không còn độ ‘hot’ như trước. Nhu cầu tuyển dụng nhân viên kế toán sụt giảm đáng kể.
Và như vậy, cơ hội có việc làm của cô bạn Lan Phương của chúng ta không còn nhiều.
Sau một thời gian tìm kiếm và chờ đợi không có kết quả, cô tìm đến một văn phòng tư vấn hướng nghiệp để có được những hỗ trợ phù hợp.
Sau khi được tư vấn và gợi ý về những lĩnh vực mà cô thực sự có thế mạnh… Phương quyết định rẽ qua một hướng khác. Cô tham gia một khoá học trung cấp mầm non. Với lợi thế đã có bằng đại học. Cô chỉ mất 12 tháng để sở hữu tấm bằng này.
Và thật bất ngờ, không những cô thoả niềm mong muốn luôn được cho đi và cống hiến cho xã hội như trong tâm trí thường thôi thúc mà cô còn tìm được niềm vui trong công việc hàng ngày với những ánh mắt trong vắt của trẻ thơ. Và điều quan trọng cũng không kém, công việc này còn giúp cô có một thu nhập không hề thấp với vai trò là cô chủ nhỏ trong chính ngôi trường mang tên mình.
Với những ví dụ trên chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc hiểu mình và hiểu nghề như thế nào trong một thế giới đầy biến động và dễ thay đổi như ngày nay.
Thời gian đi qua chẳng khi nào trở lại, tuổi trẻ là bình minh của cuộc đời con người, hãy để những năm tháng rạng rỡ tuổi trẻ của bạn được học tập và lao động theo đúng những gì mà bạn thực sự mong muốn và có khả năng.
Chỉ vì rất đơn giản thôi, chúng ta xứng đáng với điều đó.
Chúc các bạn có những lựa chọn sáng suốt cho hành trình cuộc sống của mình!
***
Kiên Nguyễn/A2Z Education & Consulting
1