P.V từng là thí sinh lọt tới vòng chung khảo một cuộc thi sắc đẹp khu vực phía Bắc. Ngoài đời, cô luôn là tâm điểm của mọi ánh mắt mỗi khi xuất hiện.
Sau khi có trải nghiệm ở tuổi đôi mươi với một cuộc thi lớn, cô theo học ngành Giáo Dục Mầm Non hệ 3 năm ở một trường CĐ tại Hải Phòng. Nhưng khi vừa bước qua năm thứ nhất tại trường, theo lời khuyên và sự cổ súy của bạn bè, cô quyết định rẽ ngang, nộp đơn ứng tuyển vào một hãng bay nội địa vừa mới thành lập và đang quảng cáo tuyển dụng rầm rộ…để theo đuổi nghề tiếp viên hàng không.
Lợi thế về hình thể nên cô lọt qua các vòng sơ tuyển một cách dễ dàng.
Viễn cảnh được bay đi khắp thế giới đang mở ra trước mắt P.V
Tuy nhiên, đến vòng kiểm tra y tế tại trung tâm tuyển dụng tiếp viên, cô bị loại với lý do: sức khỏe không đảm bảo cho môi trường làm việc rất đặc thù này.
Tờ phiếu khám sức khỏe được cấp ở một bệnh viện đa khoa địa phương mà cô có được trong bộ hồ sơ ban đầu đã không thể giúp cô chứng minh điều ngược lại.
“Em rất buồn và chán nản với bản thân! Em không biết nghề tiếp viên lại yêu cầu nhiều thứ như thế. Một số bệnh như viêm tai giữa hoặc viêm amidan mãn… nếu mắc cũng không được nhận! Cô lắc đầu chán ngán, và còn có chuyện như đùa mà là sự thật: chu kỳ phụ nữ không đều, cũng có thể bị loại.
Em đã không biết những điều này cho đến khi tiến hành kiểm tra y tế. Với em, chỉ số huyết áp là nguyên nhân khiến em phải từ bỏ ước mơ bay”
“Em đã buồn và thất vọng trong một thời gian dài. Em bỏ mất một năm học ở trường và phải học lại nhiều môn vì không đăng ký bảo lưu kết quả. Không đủ sức khỏe và thiếu thông tin về nghề nghiệp mà mình muốn theo đuổi là hai nguyên nhân chính em phải trả giá cho lựa chọn thiếu cân nhắc của mình!
Sau tất cả, giờ có thời gian nhìn lại, em thấy dường như mình vẫn hợp với nghề ban đầu mà mình đã chọn. Em vẫn thích được chơi với trẻ con, được làm việc trong môi trường đầy nụ cười và ánh mắt trẻ thơ ấy.
Nhưng điều em băn khoăn là mình cần phải có tố chất gì để làm việc được trong môi trường này? Và đâu là những khó khăn mà em sẽ phải đối mặt?
Vì vậy, em cần và rất mong muốn được có thông tin đầy đủ”.
Có vẻ như cú vấp ngã ban đầu đã giúp P.V có được bài học hữu ích.
Chúng tôi mời cô thực hiện thử các bài trắc nghiệm khoa học liên quan đến “Khám phá sở thích nghề nghiệp” và “Phát hiện tính cách cá nhân” nhằm giúp cô có cái nhìn rõ hơn về bản thân mình và các đặc thù nghề nghiệp mà cô sắp theo đuổi.
Với kết quả về năng lực cá nhân và sở thích của cô nổi trội ở một số nhóm: Social, Conventional và Artistic. Khá phù hợp với lĩnh vực nghề mà P.V mong muốn làm việc.
….
+ Nghề em theo đuổi là một nghề khó! Không ít áp lực và nhiều thách thức đấy!
P.V tỏ ra ngạc nhiên với những gì tôi nói. Dường như cô không hình dung được nghề dạy trẻ mẫu giáo lại có thứ gì đó có thể gọi là ‘thách thức’ được.
+ Đây là một nghề rất đặc thù với môi trường sư phạm khác biệt. Vì chuyên chỉ làm việc với trẻ nhỏ, nên sẽ không có chỗ cho những cảm xúc tiêu cực hay thái quá. Hoặc sự mất tự chủ hay thiếu công bằng. Nó luôn đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, tình thương và sự công tâm.
Trẻ mầm non dễ bị tổn thương tâm lý, vì chỉ mới bắt đầu tập và hình thành các thói quen đầu tiên trong cuộc đời. Sự nghiêm khắc và kỷ luật nếu có, thì cũng phải được thể hiện với thái độ thương yêu…
Những điều này, giáo viên phải thực hiện mỗi ngày, lặp đi, lặp lại trong công việc. Và không có ngoại lệ!
Ngoài việc được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết, thì đây chính là những thách thức đầu tiên mà nghề làm giáo viên mầm non buộc phải có và vượt qua!
Không chỉ có những trẻ bình thường, còn có những em có sự khác biệt về thể chất và tâm lý nữa. Nhẹ thì tăng động, nặng thì có thể là tự kỷ…vv…
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy không ít những sự việc đau lòng liên quan đến việc trẻ bị bạo hành, bị đối xử một cách tàn nhẫn trong nhiều trường mầm non, mẫu giáo. Đây chính là hậu quả của việc những con người làm công việc này đã không được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết như anh vừa đề cập.
Chính vì vậy, môi trường này cần các phương pháp sư phạm ở mức cao nhất và cần các giáo viên tốt nhất!
Ở ta, tiêu chuẩn giáo viên mầm non chỉ là tốt nghiệp CĐSP. Nhưng các nước phát triển như Mỹ, Phần Lan hay Singapore…những giáo viên ở cấp học này đều phải là những người xuất sắc nhất trong lĩnh vực học tập của họ và đều phải có bằng thạc sĩ.
Nếu em muốn theo đuổi và phát triển được cùng với nghề, thì phải chuẩn bị tâm lý và hành trang cần thiết như vậy. Cho dù ở ta, hiện thời yêu cầu về nghề nghiệp chưa cao như các quốc gia phát triển khác.
– Ồ, ra vậy…!
P.V tỏ ra hơi hoang mang và bắt đầu chú ý tới những thách thức mà tôi vừa phác thảo sơ bộ. Rõ ràng, nó chưa từng có trong suy nghĩ của cô và công việc của một giáo viên mầm non đã không hề đơn giản như cô nghĩ.
+ Nếu em mong muốn theo đuổi bất cứ nghề nghiệp nào, em nên và cần có trải nghiệm cho mình. Trước khi ra quyết định lựa chọn nó.
– Có lẽ em nên suy nghĩ lại về quyết định của mình. Đằng nào thì em cũng đã bỏ dở mất một năm ở trưởng CĐ rồi. Và bây giờ mọi thứ đều phải làm lại từ đầu.
+ Em còn trẻ, mọi thứ vẫn còn ở phía trước, thời gian còn nhiều để em có thể khám phá bản thân và lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp.
– Em thấy lo lắng quá! Sau khi nghe anh kể về những thách thức của nghề giáo viên mầm non, giờ em không biết mình phải làm gì và bắt đầu từ đâu để lựa chọn cho mình một công việc?
+ Để muốn theo đuổi một nghề nào đó, trước tiên em cần phải xem liệu mình có phù hợp với nó hay không. Vì vậy, việc HIỂU MÌNH luôn là bước đầu tiên để bắt đầu mọi thứ khác. Trong giáo dục hướng nghiệp, người ta có tổng kết, đúc rút và đưa ra một qui trình và gọi nó là “Qui Trình Chọn Nghề Đúng”.
Em thử tham khảo nhé.
– Theo em hiểu đây là những bước cơ bản thôi phải không? Nếu muốn hiểu rõ hơn em phải làm những gì ạ?
+ Đúng vậy, đây là những bước cơ bản nhất trong quá trình hướng nghiệp. Nếu muốn hiểu rõ hơn và có được các quyết định cũng như các lựa chọn cụ thể về nghề nghiệp thì em cần phải dành thời gian làm việc với chuyên viên tư vấn.
P.V khẽ gật đầu, cô dường như đã thấy được những điều mình cần phải làm ở phía trước.
Chúng tôi chia tay và cô chủ động lên lịch hẹn cho những buổi làm việc tiếp theo để hiểu rõ hơn về một nghề nghiệp cụ thể trước khi đưa ra quyết định lựa chọn…
***
Câu chuyện mà P.V đã từng trải qua là một trong “6 sai lầm phổ biến nhất trong lựa chọn nghề nghiệp” mà người ta gọi đó là “Chọn nghề khi thiếu thông tin & các yêu cầu về sức khỏe”
HN 12/2020
Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting
***
< Bài trước: Câu Chuyện Hướng Nghiệp (#4): Nghề Cao Quí & Nghề Thấp Kém
> Bài sau: Câu chuyện thứ #6: Chọn nghề ‘HOT’ theo trào lưu và những thăng trầm của nghề kế toán
7