Trong hơn 61.000 hồ sơ, Harvard chỉ nhận 1.954 sinh viên, khiến tỷ lệ chấp nhận thấp kỷ lục – 3,19%, nhiều trường khác cũng có mức trúng tuyển thấp chưa từng có.
Tám đại học trong khối Ivy League – những trường cuối cùng ở Mỹ – vừa thông báo kết quả tuyển sinh năm 2022. Dù đã chuẩn bị tinh thần, các ứng viên và cán bộ tuyển sinh vẫn bất ngờ trước tỷ lệ chấp nhận thấp kỷ lục của nhiều trường top đầu, khiến mùa tuyển sinh năm 2021-2022 có tính cạnh tranh khốc liệt.
Dưới đây là top những đại học Mỹ có tỷ lệ chấp nhận dưới 10% năm 2022 do trang Collegekickstart tổng hợp:
Năm 2022, Harvard, Columbia và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có tỷ lệ chấp nhận chưa đến 4% – trong 100 thí sinh nộp hồ sơ, chỉ hơn ba em trúng tuyển, con số thấp kỷ lục.
Năm ngoái, tỷ lệ chấp nhận 3,43% được coi là mức thấp nhất lịch sử của Harvard, nhưng đã bị mức 3,19% năm nay soán ngôi. Trong ba năm gần đây, mức chấp nhận của ngôi trường danh giá này liên tục giảm, khiến việc trúng tuyển ngày càng khó khăn. Tương tự, tỷ lệ chấp nhận của MIT cũng giảm từ 4,03% (năm 2021) xuống 3,94%, còn Columbia không đổi. Ba trường này lần lượt giữ hạng 2, 3 và 4 của danh sách đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ, đồng thời thuộc nhóm đứng đầu thế giới.
Yale và Brown, hai trường Ivy League, cũng có tỷ lệ chấp nhận thấp kỷ lục trong năm 2022 với 4,47 và 5,03%, giảm từ mức hơn 6 và 8% của năm ngoái.
Trong những trường còn lại, Northeastern gây ngạc nhiên khi có tỷ lệ chấp nhận 6,7%, giảm mạnh so với mức 18% của năm 2021. Hai đại học Barnard và Tuflts góp mặt trong nhóm có tỷ lệ chấp nhận dưới 10%, trong khi năm ngoái không có tên ở nhóm này.
Tỷ lệ chấp nhận của đa số đại học Mỹ giảm do lượng hồ sơ nộp vào tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh không biến động đáng kể.
Dưới đây là biểu đồ về số lượng hồ sơ mà các trường có tỷ lệ chấp nhận dưới 10% của năm 2022 nhận được (bấm vào góc phải biểu đồ, chọn “view full size” để xem đầy đủ thông tin):
Trong mùa tuyển sinh năm 2020, các ứng viên bắt đầu làm hồ sơ từ đầu hoặc giữa năm 2019 – thời điểm Covid-19 chưa xảy ra. Do vậy, số lượng hồ sơ mà các đại học nhận được trong năm này không biến động nhiều so với các năm trước đó.
Đến 2021 và 2022, các đại học ghi nhận sự tăng trưởng hồ sơ đột biến, phổ biến mức 20-50%, xảy ra ở cả nhóm đại học quốc gia và đại học khai phóng, tập trung ở nhiều trường top đầu.
Cụ thể, Harvard, Columbia nhận khoảng 40.000 hồ sơ vào năm 2020, sau đó tăng lên mức hơn 61.000 ở năm 2022, tương đương 50%. Tương tự, MIT cũng tăng gần 70% hồ sơ, từ 20.075 (năm 2020) lên 33.976 (năm 2022), Northeastern nhận từ 64.000 lên 91.000 hồ sơ, tăng 44%.
Dù vậy, bốn cái tên này không phải những trường có tỷ lệ tăng mạnh nhất. Đại học Colgate, top 17 nhóm khai phóng, chỉ nhận khoảng 8.500 hồ sơ trong năm 2020. Hai năm sau, con số này lần lượt tăng lên 17.533 và 21.260, tăng 150%.
Nhóm trường thuộc Đại học California cũng nhận được lượng hồ sơ “khủng”, hầu hết trên 100.000, riêng UCLA nhận được gần 150.000 hồ sơ. Hai mùa tuyển sinh trước, trường không công bố các con số này.
Để giải thích cho sự tăng trưởng hồ sơ ở các đại học top đầu Mỹ, tờ Wall Street Journal nhận định có thể do các trường không còn yêu cầu chứng chỉ quốc tế, giúp nhiều học sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ hơn trước. Ngoài ra, học sinh lo ngại đại dịch làm tăng tỷ lệ cạnh tranh nên để trúng tuyển, các em tìm cách nộp hồ sơ vào nhiều trường hơn trước.
Bên cạnh các trường thống kê và công khai số lượng hồ sơ, tỷ lệ chấp nhận, một số trường top như Pennsylvania (UPenn), Princeton, Cornell bảo mật thông tin này, dù các năm trước có công bố.
Các cán bộ tuyển sinh cho rằng thí sinh và gia đình các em có thể hoảng sợ, gặp áp lực khi biết đến tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt để vào trường. Những con số có thể khiến nhiều học sinh từ bỏ ước mơ của mình vì nghĩ “không thể trúng tuyển”, trong khi các em vẫn có cơ hội.
“Chúng tôi không muốn tập trung đến việc vào trường khó thế nào, mà muốn mọi người quan tâm đến chất lượng những bạn trẻ chúng tôi chọn”, E. Whitney Soule, trưởng khoa tuyển sinh của UPenn, cho biết.
Theo: Thanh Hằng (Vnexpress.net)
1