Nhiều bậc Cha Mẹ hay có xu hướng quyết định thay con hoặc tìm cách thuyết phục con theo ý của mình. Điều này có thể chưa chắc đã hoàn toàn đúng và phù hợp với con vì mỗi cá nhân là một thực thể đặc biệt với những kỹ năng và cá tính riêng.
Vai trò của Cha mẹ càng ngày càng nặng hơn với con cái của mình. Về cơ bản, Cha Mẹ cần là một người bạn lớn tuyệt với, một nhà triết gia, một người đồng hành có thể đưa ra những lời khuyên đáng tin cậy cho con. Cha Mẹ là người hiểu con mình thích hay không thích gì cũng như các lựa chọn nghề nghiệp có thể giúp con đạt đến tầm cao mới. Dưới đây là một số hoạt động gợi ý cho Cha Mẹ để có thể hỗ trợ con mình tốt nhất trên chặng đường lựa chọn nghề nghiệp.
1. Cùng con tiến hành một số bài kiểm tra năng lực
Các bài kiểm tra năng khiếu thường được sử dụng để phản ảnh tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của con. Các bài kiểm tra này thường được thiết kế nhằm giúp Cha Mẹ hiểu được sở thích của trẻ, từ đó có cơ sở để giúp con lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Một số bài kiểm tra gợi ý cho Cha Mẹ sử dụng: Holland Test, Kiểm tra 8 loại hình trí thông minh, MBTi…
2. Đánh giá các sở thích và mối quan tâm của con
Sẽ rất mệt mỏi và khó để có thể làm việc lâu dài và tìm thấy niềm vui trong công việc nếu như bạn không thích công việc mình đang làm cho dù bạn có làm tốt đến đâu đi chăng nữa. Vì vậy, việc Cha Mẹ giúp con chọn được công việc phù hợp với sở thích hoặc mối quan tâm lâu dài của con sẽ góp phần đảm bảo con đường sự nghiệp của con được phát triển bền vững.
3. Tìm hiểu các chương trình, lộ trình học liên quan đến nghề nghiệp đã chọn
Cha Mẹ có thể cùng con tìm hiểu các chương trình có liên quan đến nghề nghiệp đã chọn. Mỗi ngành nghề lại có đặc thù về đào tạo khác nhau. Một số nghề như nấu ăn, thiết kế, vận hành máy móc chỉ cần học cao đẳng là có thể làm việc được. Một số ngành nghề khác như tư vấn tâm lý, bác sỹ, dược sỹ lại đòi hỏi ít nhất 6-8 năm học lên đến cao học mới có thể bắt đầu làm việc. Một số lĩnh vực nghiên cứu công nghệ mới lại cần các em ra nước ngoài đào tạo mới có đủ cơ sở vật chất & trang thiết bị để nghiên cứu. Nắm được lộ trình đào tạo của một nghề sẽ giúp các con chuẩn bị được kế hoạch học tập và kế hoạch tài chính khả thi hơn.
4. Ra quyết định nghề nghiệp thấu đáo
Một số phụ huynh có xu hướng ra quyết định nghề nghiệp cho con mình giống người khác. Ví dụ: con một người bạn học giỏi toán, ra trường, làm tài chính với vị trí và mức lương khởi điểm rất cao, nên mình cũng hướng cho con mình vốn cũng học tốt môn này theo ngành tài chính. Quyết định này có thể không hoàn toàn chính xác vì ngoài điểm tương đồng về việc cùng học giỏi toán thì các yếu tố khác cũng luôn cần được xem xét trước khi ra quyết định. Ví dụ như năng khiếu, đam mê hay mơ ước cá nhân khác của con, cũng như các giá trị sống khác mà con hướng tới hay mong muốn được trải nghiệm.
Vì vậy, một quyết định nghề nghiệp thấu đáo nên được căn cứ trên việc hiểu rõ năng lực và ước mơ của con mình, nắm chắc tính chất, yêu cầu của nghề nghiệp và nhu cầu của xã hội.
5. Quy mô của nghề nghiệp
Tìm hiểu nhiều lĩnh vực và các công việc có liên quan đến nghề nghiệp cụ thể sẽ giúp con lựa chọn được ngành nghề học & chương trình học phù hợp với đặc tính cá nhân. Thông thường chuyên ngành học càng rộng thì con càng có nhiều cơ hội tìm kiếm được nghề nghiệp phù hợp hơn sau này ví dụ như kinh doanh hoặc công nghệ thông tin.
Tuy vậy, có những nghề lại đòi hỏi sự tập trung chuyên sâu mới có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc như bác sỹ, dược sỹ, thợ lành nghề bậc cao, âm nhạc hoặc các ngành liên quan đến trình diễn nghệ thuật…
6. Tìm hiểu các thông tin liên quan đến thu nhập
Nhu cầu đảm bảo cuộc sống về mặt kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp lâu dài. Với nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội hiện nay, không ai đi làm chỉ với một nhu cầu đảm bảo sự tồn tại cá nhân như ăn uống. Thay vào đó các nhu cầu khác như học tập, phát triển, giải trí, được làm những điều mình thích, nuôi nấng con cái…cũng cần được tính toán khi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp.
Trao đổi với con về mức sống hiện nay của gia đình cũng là một cách tốt để cho con có một cái nhìn thực tế về cuộc sống, con có thể hình dung được nếu như mình muốn có được cuộc sống mình đang có thì mỗi tháng thu nhập cần bao nhiêu tiền. Từ đó con có thể cân nhắc các lộ trình nghề nghiệp khác nhau hoặc có những phương án tài chính khác để đảm bảo cuộc sống nếu như thu nhập từ ngành nghề con đam mê chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu hàng tháng.
Với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của xã hội hiện nay, việc một người có vài công việc mang lại các nguồn thu nhập khác nhau dần trở thành xu hướng phổ biến.
1