Theo kết quả PISA vừa công bố, học sinh Việt Nam đạt 505 điểm Đọc hiểu, cao thứ 13 trong 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Về Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, cao thứ 24. Còn với Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, cao thứ 4, tăng 8 hạng so với năm 2015.
Theo bà, lý do gì khiến kết quả làm bài của học sinh Việt Nam được đánh giá cao, nhưng chúng ta lại “vắng mặt” trên bảng xếp hạng?
– Có 2 lý do chính để OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh.
Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Bởi vì, ban đầu OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang 2020 mới công bố, họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam.
Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.
Trong quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã có những chất vấn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện PISA tại Việt Nam.
Sau quá trình xác minh, thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, do kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, nên chưa được xếp hạng.
Cụ thể, sự khác biệt ở đây là gì, thưa bà?
Vì kết quả làm bài của học sinh rất tốt, nên có những khác biệt với mô hình của các nước là thành viên của OECD.
Qua phân tích bảng kết quả PISA, có thể thấy câu hỏi mà các nước thành viên trong OECD đánh giá có độ khó càng cao thì học sinh Việt Nam càng làm tốt, câu hỏi mà theo họ là dễ thì học sinh của chúng ta lại làm không tốt.
Ví dụ, các nước OECD coi câu hỏi liên quan đến học thuật là khó và rất khó, còn câu hỏi về trải nghiệm cuộc sống là dễ. Họ đánh giá dễ là vì nó gắn với thực tiễn cuộc sống của họ, chỉ cần có kinh nghiệm sống là có thể làm được hết. Nhưng với học sinh của mình, chưa được trải nghiệm nên các em không làm được và coi là câu hỏi khó.
Chẳng hạn trong bảng câu hỏi có câu về trải nghiệm đi tàu điện ngầm, đầu tư năng lực tài chính, gọi điện thoại đi quốc tế. Ở nước ta chưa có tàu điện ngầm, học sinh chưa được đi, nên phải suy đoán tìm câu trả lời. Hoặc họ có những bài về tàu điện tử, nhìn tàu, học sinh của mình không hiểu là hình gì, nên cũng không làm được, mà phải suy luận.
Vì khác biệt này, họ chưa đưa Việt Nam vào bảng so sánh xếp hạng năm nay, mà muốn có thêm thời gian để nghiên cứu.
Điều này có phải bắt nguồn từ sự khác biệt trong mục tiêu và phương pháp giáo dục của Việt Nam so với các nước phát triển khác. Họ chú trọng giáo dục kỹ năng, chúng ta lại trang bị nhiều kiến thức học thuật?
Từ kết quả PISA đưa ra, phải thừa nhận rằng giáo dục phổ thông của chúng ta đã trang bị rất sâu và rộng kiến thức về học thuật cho học sinh, trong khi kỹ năng sống thì chưa trang bị tốt. Bộ GDĐT đã có nhiều giải pháp để học sinh có thể vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề ngoài cuộc sống. Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng thiết kế theo hướng phát triển năng lực, kỹ năng sống cho học sinh.
Nhưng cuộc sống của mình là cuộc sống của các nước đang phát triển, khác với cuộc sống của các nước OECD, chúng tôi đã lường trước sự khác biệt này. Vì vậy, rào cản về kinh tế là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt về mô hình đánh giá của chúng ta với các nước OECD.
Đã lường trước những khác biệt, vậy mục tiêu Việt Nam tham gia bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của OECD là gì, thưa bà?
Xếp hạng chỉ là một phần, mà OECD còn có những nhận định, đánh giá phân tích các số liệu để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của giáo dục các nước, bằng một thang đo chung.
Dù mình chưa vào bảng xếp hạng kỳ này, nhưng không có nghĩa không nhìn thấy bức tranh tổng thể của giáo dục Việt Nam so với quốc tế.
Hiện chúng tôi đang tiếp tục đọc báo cáo của OECD và thấy có rất nhiều điểm hay. Có nhiều thông tin về kết quả của học sinh Việt Nam mà PISA đánh giá sẽ là bài học và kinh nghiệm giúp giáo dục Việt Nam phát triển hơn. Đó là giá trị rất lớn khi tham gia bảng xếp hạng này.
– Cảm ơn bà đã chia sẻ!