Trần Phương Ngọc Hà (Haily Tran) sở hữu gương mặt sáng, lối nói chuyện thông minh. Nguồn năng lượng dồi dào và sự tự tin toát ra từ cô gái 26 tuổi này khiến bạn có cảm tình ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Hà là con gái út của bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận.
Du học từ năm 15 tuổi, đi qua 4 năm đại học trong Ivy League, 2 năm theo học thạc sỹ ngành Quy hoạch đô thị ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), mới đây Hà đã giành được học bổng tiến sỹ ngành International Development (phát triển cộng đồng và phát triển bền vững) ở ĐH Oxford, một trong những trường ĐH danh giá nhất toàn cầu.
Với những bạn trẻ như Hà, người ta thường bông đùa rằng họ phải đi lùi để về đích. Dù thừa nhận cuộc sống của mình khá trơn tru, thuận lợi, mọi thứ mình muốn đều đã dần dần đạt được, thế nhưng đâu có gì là từ trên trời rơi xuống. Mọi thứ đều là kết quả của sự nỗ lực, không ngừng khám phá và khẳng định giá trị bản thân trong suốt 26 năm qua từ Hà. Chưa hết, lựa chọn con đường theo đuổi cả hai khía cạnh của phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo, Hà mang trong mình tham vọng sẽ đem những điều tích lũy được về giúp ích cho chính Việt Nam.
Hãy để họ phải săn đón mình!
Gia đình theo nghiệp kinh doanh, riêng cô con gái út lại chọn Khoa học môi trường. Nhiều người nói Hà học hành, phấn đấu bằng nọ bằng kia làm gì cho khổ, sớm muộn gì chả về PNJ? Bao giờ cũng thế, người ngoài thường dễ đưa ra kết luận cho những việc không phải của mình.
Hà kể lúc chọn ngành, cô phân vân giữa đam mê thiết kế và tiếng gọi của ngành môi trường. Cuối cùng mẹ đã nói 1 câu giúp Hà trở nên quyết đoán: “Thiết kế hội họa có thể là sở thích sau này phát triển thêm, lúc nào làm cũng được và không bao giờ muộn, nhưng có nền tảng vững chắc ở 1 ngành nào đó thì sẽ tốt hơn cho tương lai”. Vậy là Hà theo học ngành Khoa học môi trường tại ĐH Brown trong 4 năm. Khi thực hiện đề tài tốt nghiệp về nhà chống lũ ở miền Trung tại Việt Nam, cô nhận ra thứ mình nên làm là chú tâm để tìm ra cách áp dụng kiến thức khoa học vĩ mô và đưa những cải tiến thiết thực đến nơi thật sự cần thiết. Mình là người Việt Nam mà, học gì làm gì cũng quay về áp dụng cho Việt Nam thôi.
Tới giờ Hà mới kể bản thân không “săn” học bổng, mà mọi thứ là kết quả tốt đẹp của một quá trình tìm tòi, phát triển và biết cách thể hiện, tạo dấu ấn cho bản thân. Trước khi nộp đơn Hà chủ động tự giới thiệu mình và được giáo sư ở Oxford động viên, giúp đỡ rất nhiều trong quá trình apply. Khi được nhận vào chương trình tiến sỹ, Hà được thông báo là vì khi khai về tài chính gia đình thì Hà không vào danh sách “cần hỗ trợ học bổng”. Không muốn đòi hỏi thêm từ gia đình, Hà lại chủ động làm việc với trưởng khoa. Sau 30 phút thì nhận được thư trao học bổng xuất duy nhất dành cho “sinh viên đặc sắc”. Vì muốn giữ chân Hà lại nên hội đồng khoa đã hết mình giúp đỡ. Ở MIT cũng vậy, sau thành tích học kỳ đầu thì trường quyết định hỗ trợ học bổng.
Thế nên Hà mới có 1 sự so sánh rất thú vị. Ứng tuyển vào đâu đó cũng giống như hẹn hò, khi 2 bên đang tìm hiểu nhau, hãy mạnh dạn thể hiện bản thân và tìm hiểu kỹ mình có hợp với môi trường đó hay không, vì sao? Nếu trả lời được 2 câu đó sẽ rất dễ dàng đưa ra 1 profile phù hợp, ấn tượng. Khi 2 bên hợp nhau thì nhiều khi không cần theo đuổi, người ta sẽ săn đón mình.
Cô tin rằng ai cũng có điểm mạnh riêng cần được khoe ra, đó chính là thứ tạo ấn tượng dễ dàng và mạnh mẽ nhất. Đó cũng là điều giúp Hà rất tự tin. Nếu xảy ra vấn đề, Hà thường lấy lời bà dặn dò làm động lực không ngừng tiến tới: “Đã cố gắng hết sức chưa, nếu rồi thì kết quả có thể tốt có thể xấu, nhưng không xấu hổ với bản thân”. Sau này nếu có thất bại, đối diện với sự thất vọng thì mình cũng sẽ tự hỏi câu đó – Hà tâm sự.
Hà cũng khuyên các bạn trẻ hãy tích cực tìm những điều mới mẻ trong cuộc sống, công việc để tránh tình trạng kiệt sức, chán nản. Những trải nghiệm mới có thể vui, có thể không, có thể rất dễ hoặc rất khó, nhưng tự thách thức chính mình sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn cho những bước tiếp theo vì bạn sẽ hiểu rõ thêm về sở thích hoặc điểm mạnh và điểm yếu của mình.
Đi để được dạy những điều MIT, Oxford không có!
13 tuổi, Hà đi “ké” Mùa Hè Xanh cùng chị gái Trần Phương Ngọc Thảo. Cho đến bây giờ khi nhớ lại, Hà chọn đó là sự kiện đã thay đổi cô rất nhiều. Lần đầu tiên đi tình nguyện ngoại thành với 1 tháng ở Cần Giờ, tuy nhỏ xíu nhưng vẫn đào đất, lấp đường như những anh chị lớn. Lần đầu tiên Hà trải nghiệm sâu sắc và hiểu rằng trong thực tế nhiều người có đời sống khác mình đến nỗi không thể tưởng tượng được. Năm 16 tuổi, Hà lại đi Mùa Hè Xanh ở Sóc Trăng. Tuy nhỏ nhưng Hà nghiệm ra được được giá trị và trách nhiệm của mình, cô bé muốn giúp ích cho mọi người. Về giá trị, Hà chia sẻ: một con người khỏe mạnh ai cũng có 3 thứ quý giá đó là thời gian, tấm lòng, và sức lực. Khi 13 tuổi Hà chưa có gì nhưng đã thấy mình cũng có giá trị giúp ích cho cộng đồng. Bây giờ lớn hơn, có thêm kiến thức, điều kiện và sau này có tiền bạc, thì có nghĩa là giá trị và trách nhiệm của Hà còn to lớn hơn nữa.
… Một con người khỏe mạnh ai cũng có 3 thứ quý giá đó là thời gian, tấm lòng, và sức lực. Khi 13 tuổi Hà chưa có gì nhưng đã thấy mình cũng có giá trị giúp ích cho cộng đồng. Bây giờ lớn hơn, có thêm kiến thức, điều kiện và sau này có tiền bạc, thì có nghĩa là giá trị và trách nhiệm của Hà còn to lớn hơn nữa.
2 năm gần đây, có cơ hội đi Argentina, Nam phi, Botswana… để thực hiện các dự án thiên về phát triển kinh tế và đời sống của dân nghèo, Hà nhận ra khi họ sống trong môi trường thiếu thốn như vậy thì nỗi lo về môi trường lại càng lớn hơn. Ý thức đó hằn sâu, càng làm các dự án về cộng đồng ấy Hà càng thấy hướng đi của mình là đúng: Muốn đi sâu vào cách tiếp cận, cộng tác với người dân thay vì ngồi ở MIT, Oxford để nghĩ cách giải quyết. Quan trọng nhất là có thể đến tận nơi để cùng trải nghiệm, tìm hiểu đời sống của người dân ở đó.
Những chuyến đi như thế này làm cho mình khiêm tốn hơn khi nói những chuyện lớn lao, vì mình có thể biết rất nhiều lý thuyết nhưng lúc đối diện với thực tế, lý thuyết có khi trở thành vô nghĩa. Nhiều bạn trẻ bây giờ thiếu sự khiêm tốn đó nên Hà mới cảm thấy may mắn khi có nhiều cơ hội để trải nghiệm và ngấm được bài học.
Ban đầu có 2 nhóm, 1 nhóm chuyên gia và 1 nhóm người dân. Ai cũng nghĩ sẽ vẽ ra bao nhiêu thứ hay ho, sẽ làm này làm kia, nhưng chỉ sau 1 tuần tất cả đều nhận ra mình chả biết làm gì cả. Và chính người dân đã chỉ ngược lại cho đoàn. 21 tuổi, như những sinh viên nhiệt huyết mới ra trường, Hà cũng trăn trở tại sao mình học đủ rồi nhưng lại không làm được gì? Bài học rút ra là cứ đi vào thực tế, họ sẽ dạy mình những điều trường lớp không có. Những chuyến đi tiếp theo cũng y như vậy, nhờ những kiến thức và kỹ năng tích lũy được sau những chuyến đi mà các dự án sau dễ dàng hơn.
Về vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam, Hà cho rằng đang thiếu những thông tin cầu nối, cách truyền đạt hiệu quả để có tác động tới việc làm hàng ngày của mỗi người. Cô chọn cách học và làm dự án ở nước ngoài để xây dựng nền tảng kiến thức, lấy kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới để về Việt Nam có thể bắt tay vào xây dựng hoài bão phát triển bền vững của mình.
Cô gái trẻ luôn là người theo đuổi những hoạt động vì môi trường, hoạt động xã hội không ngừng nghỉ!
Mẹ là người truyền cảm hứng!
Chủ tịch HĐQT PNJ có 3 cô con gái, Hà là con út. Hai chị gái của Hà cũng rất tài giỏi, thế nhưng cô thú thực bản thân không tự áp lực phải trở nên thành công như ba mẹ hay các chị. Từ bé đến lớn, Hà may mắn khi làm gì cũng có người ủng hộ. Lúc có vấn đề, ba mẹ cô sẽ tư vấn chứ ít khi bảo phải làm này làm kia. Hồi còn nhỏ, Hà thật sự thấy vui về điều đó, nhưng lớn dần lên, trải nghiệm nhiều hơn, cô nhận ra đó mới chính là trọng trách lớn lao. Đã có đủ điều kiện và sự tự do như thế, phải làm gì để xứng đáng chứ?
Mẹ – Người truyền cảm hứng cho Hà!
Các bà mẹ thường có nhiều ảnh hưởng tới con gái, nhà Hà cũng không ngoại lệ. Hà kể mình được “huấn luyện” trên từng cây số để có thể nhìn sự việc một cách sâu sắc, đa chiều. Bình thường khi đi ăn, hai mẹ con sẽ ngồi xuống trò chuyện xem món này nấu bằng gia vị gì, cách nấu ra sao…Khi đọc tin tức thì sẽ cùng phân tích từ từ. Đó chính là thói quen nhìn xoáy vào vấn đề theo những góc cạnh khác nhau – một kỹ năng mà Hà đã học được từ mẹ.
Hà còn kể dù nhà kinh doanh thời trang nhưng hai mẹ con rất ít khi mua sắm. Theo phép tính của Hà và mẹ, 1 cái túi xách hàng hiệu giá trị bằng 1 cái nhà tình thương mà PNJ trao cho người nghèo, nếu bỏ tiền ra mua cái túi xách thì mình thấy nó hơi… sai sai. Ra đường, mẹ xách túi cói, con mang túi vải. Năm nay đi làm có tiền rồi Hà mới “dám” tự thưởng cho mình một bộ trang sức. Vì luôn ý thức được mục đích sống và làm việc của mình là giúp ích cho người khác, nên những hành động hàng ngày thật với giá trị sống giúp Hà thấy thoải mái hơn. Với Hà, mẹ là người được tôn trọng, có sức ảnh hưởng khi không cần đến những thứ xa hoa, xu thế. Đó chính là điều cô luôn nhắc nhở để được như mẹ mình.
(Bài và ảnh theo Tri thuc tre)