Thời hưng thịnh
Có những giai đoạn từng là thời kỳ hoàng kim trong việc đào tạo các môn học Ngân hàng, Tài chính, Kế toán.
Rất nhiều gia đình các nữ sinh, khi chưa biết chọn nghề gì để theo đuổi và thi vào đại học thì thường chọn lĩnh vực này như một giải pháp an toàn với tâm lý: Con gái nên làm một công việc nhẹ nhàng, ít sức ép, công việc ổn định là tốt nhất.
Những năm trước thập niên 2010 là điển hình cho giai đoạn mà sinh viên nữ ra trường thường có xu hướng chọn các ngành trên để thi đại học.
Nhu cầu về công việc cho lực lượng lao động này lên cao khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng.
Nhưng cuộc sống luôn là sự chuyển biến và thay đổi…
Những thay đổi và thách thức
Thời gian gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của CNTT, mọi ngõ ngách trong đời sống xã hội của con người gần như đều có dấu ấn của nó. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến dấu hiệu thoái trào của lĩnh vực đào tạo nghề kế toán và tài chính. Ngành đào tạo này hiện đã không còn nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ.
Với các nữ sinh ngày nay, có rất nhiều thứ thú vị khác hơn để làm thay vì chọn một công việc ngồi cả ngày cạo bàn giấy và loay hoay với những con số tính toán khô khan.
Trước đây, máy tính chỉ là công cụ hỗ trợ con người. Ngày nay, nó và các phầm mềm dần thay thế chính họ để thực hiện nhiều công việc cần đến sự tính toán.
Hơn chục năm trước, bộ phận kế toán là phần không thể thiếu của bất cứ công ty nào. Nay, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chọn sử dụng lực lượng kế toán thuê ngoài (Out-Sources) thay vì tuyển dụng nhân viên kế toán toàn thời gian (full time job). Vừa tiết kiệm chi phí hơn nhiều vừa không phải ký hợp đồng lao động, quản lý hay tuyển dụng. Cũng như không phải chi trả các khoản phúc lợi, bảo hiểm liên quan. Công việc quản trị giảm đi đáng kể.
Xưa, phòng kế toán của các công ty dù lớn hay nhỏ, đều là nơi lưu trữ và chất đầy các hồ sơ, tài liệu, sổ sách và chứng từ. Nay, máy tính và các phần mềm cùng với công cụ lưu trữ đám mây đã gần như dọn sạch các tủ hồ sơ ấy.
Trước đây, việc báo cáo số liệu phải gặp trực tiếp cơ quan quản lý thuế địa phương. Nay, hầu hết công việc này được thực hiện chỉ bằng vài thao tác trên không gian mạng.
Theo một nghiên cứu của ĐH Oxford, Anh Quốc năm 2017 thì kế toán viên là một trong 15 nghề có nguy cơ nhất sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI) trong vòng 20 năm tới.
Không chỉ bị những cỗ máy và những phần mềm do chính con người tạo ra cạnh tranh trong công việc, những người có thể tồn tại và phát triển được trong ngành này còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác vì tích đặc thù của công việc này: Yêu cầu về trình độ CNTT, phải nắm vững và thường xuyên cập nhật các qui định của pháp luật liên quan đến ngành nghề và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Thêm nữa, do đặc thù của công việc, kế toán viên cũng phải chịu đựng được sự tẻ nhạt và nhàm chán từ môi trường làm việc của chính mình, vì công việc thường xuyên chỉ tiếp xúc với số liệu, giấy tờ và các bản báo cáo khô khan, ít giao tiếp trực tiếp với con người.
Các cơ hội thăng tiến rất chậm và nếu ai đó hi vọng sẽ có thu nhập tăng một cách đột biến trong công việc làm một kế toán viên là điều không tưởng. Trừ khi, bạn biết nâng đẳng cấp mình lên và trở thành một chuyên gia về tài chính hay tư vấn đầu tư.
Đặc tính nữa là nghề này gần như không có cơ hội dịch chuyển. Chỉ ngồi một chỗ làm công việc của mình, cho đến khi…thay đổi công ty mới hoặc…nghỉ việc.
Với những người có tính cách hướng ngoại, nếu vì lý do nào đó đã chọn theo nghề này, thì đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ để họ có thể gắn bó với nghề.
Và vì vậy, các bạn trẻ trước khi lựa chọn một con đường riêng cho mình, cần hiểu và ý thức được rằng bạn đang đi trên con đường nào? Và nó sẽ dẫn bạn đi đến những đâu?
Lựa chọn nghề nghiệp: Khi giá trị cá nhân được đề cao
Nếu trước đây, với sinh viên mới ra trường, điều lo lắng và mơ ước cháy bỏng của họ chỉ là có được một chỗ làm. Thậm chí là họ phải chấp nhận chi các khoản phí ‘lót tay’ để chỉ đổi lấy một công việc với mức lương thấp và công việc không thực sự phù hợp.
Thì ngày nay, xu hướng ấy gần như đã bị thay thế và loại bỏ trong hầu hết suy nghĩ của giới trẻ. Điều mà họ cần bây giờ không chỉ là một môi trường làm việc tốt, mức đãi ngộ tương xứng với sức lao động, mà quan trọng hơn là công việc và môi trường ấy có phù hợp và phát huy được các giá trị cá nhân của họ hay không.
Không ít các bạn trẻ lựa chọn thách thức để tìm trải nghiệm cho bản thân. Họ chấp nhận những thiệt thòi ban đầu để có cơ hội thể hiện mình, được sống và làm việc theo sở thích. Đây là một tín hiệu khả quan cho một thế hệ người Việt mới đã và đang dần hình thành.
Xu hướng xã hội hay bất cứ trào lưu nào khác trong cuộc sống, cũng chỉ có thể tồn tại trong một thời gian, cho dù là ngắn hay dài. Ngành tài chính, kế toán hay ngân hàng cũng như muôn vàn những ngành nghề khác trong thế giới nghề nghiệp, có lúc thăng hoa, có lúc trầm lặng, lúc được số đông theo đuổi, lúc bị thờ ơ, sao nhẵng.
Nhưng có một thứ sẽ luôn gắn bó với bạn lâu dài, đồng hành và trưởng thành cùng với bạn. Đó chính là giá trị cá nhân của mỗi con người.
Nếu xác định được giá trị bản thân và gắn kết được nó với nghề nghiệp mà mình chọn, thì con đường phía trước bạn luôn là một hành trình thú vị. Bạn sẽ đi trên con đường của mình bằng đôi chân của mình, và cho chính cuộc đời mình.
HN 31/12/2020
Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting
< Bài trước: Câu Chuyện Hướng Nghiệp (#5): Chọn Nghề Khi Thiếu Thông Tin & Yếu Tố Sức Khỏe
> Bài sau: Du Học và Một Vài Khác Biệt Trong Văn Hóa Tây – Ta
10