Câu chuyện về một người cha muốn dạy con mình về việc nắm bắt cơ hội trong cuộc sống, được nhiều người kể lại rằng; Vào những năm 30 của thế kỷ trước, một người cha, khi chuẩn bị hành trang cho đứa con út nhập học ở Sài Gòn và đây cũng là chuyến đi xa đầu tiên của cậu bé, đã reo vào đầu cậu bé 10 tuổi một bài học về cuộc sống theo một cách khó có thể ấn tượng hơn.
Cho dù mãi 9h sáng hôm sau tàu mới đến, và nhà cũng chỉ cách ga tàu vài cây số, nhưng người cha đã bắt cậu bé phải ra ga để đợi tàu ngay từ đêm hôm trước.
Hai cha con trải màn, chiếu ngủ ngay tại sân ga.
“Vì sao phải ra đây sớm thế hả ba? Mình có thể đi từ nhà! Và ngày mai tàu mới tới cơ mà?”
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của cậu con trai út, người cha vừa phả làn khỏi thuốc vào bầu trời đêm lạnh lẽo giữa sân ga vắng vẻ vừa chậm rãi như nói với chính mình:
“Ở đời, thường chỉ có người đợi tàu, chứ tàu không đợi người!”
…
Câu nói này đã gây một ấn tượng mạnh và in hằn trong não của cậu nhóc 10 tuổi ở vùng quê nghèo Phan Rang, quanh năm chỉ có gió, cát và nắng cháy ấy. Và nó đã như một hành trang quí giá đã theo suốt cuộc đời cậu. Nó dạy cậu rằng; “Cơ hội trong cuộc sống là rất ít, đặc biệt là với những người nghèo! Và mỗi khi nó đến, cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất để nắm lấy!”
34 năm sau cái đêm cùng với người cha đợi chuyến tàu lên Sài Gòn năm ấy, cậu bé nghèo này nhậm chức tổng thống một quốc gia khi mới vừa bước qua tuổi 44 được mấy tháng.
Con người đó chính là Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa từ 1967 đến 1975.
Ngày nay, thật hiếm có cha mẹ nào đủ kiên nhẫn để có thể dạy con cái mình theo lối sắp đặt ấn tượng như thế.
Chúng ta không có thời gian? Hay chúng ta đã quá nuông chiều con trẻ, mà không hề ý thức được rằng; sự tiện nghi mà mình trao cho chúng hàng ngày đã làm cho sự tự chủ, sức đề kháng và động lực sống của chúng bị triệt tiêu ít nhiều.
…
Cổng trường Thực nghiệm Hà Nội, 5 năm trước, người ta thường chứng kiến cảnh mỗi sáng, một chiếc Rolls Royce đỗ xịch ngay trước cổng chính số 50 Liễu Giai, cửa mở và một cậu bé trong bộ đồng phục học sinh bước xuống, vẫy tay chào người trong xe và đi vào trường trong sự trầm trồ và mọi ánh mắt ngưỡng mộ của đám đông bạn bè xung quanh.
Chiếc xe to lớn rồ máy lao đi, để lại cậu bé với đám đông vẫn đang chỉ trỏ, xì xào…
Đó là khi đưa, còn khi đón thì số lượng ‘khán giả xem show’ này còn đông hơn gấp bội.
Và như vậy, trong những khoảng khắc thế này, chiếc áo đồng phục mà cậu bé khoác trên người đã trở nên vô tác dụng khi nó đã không hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình là xóa nhòa đi khoảng cách giữa cao và thấp, giữa giàu và nghèo.
…
Một ông bố khác, vì đang công tác và là người có vị trí trong ngành hàng không, nên trong suốt thời gian con gái học từ cấp 2 lên THPT, ông đã luôn tạo điều kiện cho bé được đi trên các chuyến bay hạng sang. Khi cần di chuyển cháu luôn được xếp ngồi hạng C cùng với các thương gia thành đạt và các nhân vật VIP khác…
Số lần nhiều đến mức, nó hình thành trong đầu bé gái rằng: cứ đi máy bay là nghiễm nhiên chỗ của mình là ở khoang hạng nhất!
Một trong những lần khác, khi khoang hạng nhất đã đầy, cháu buộc phải ngồi hạng phổ thông ở phía cuối. Có những giọt nước mắt đã rơi và sau đó cả tháng trời là sự dỗi hờn với bố…!
Điều gì sẽ xảy ra khi ông bố không còn ở vị trí cao trong ngành hàng không nữa? Và rồi, khi trưởng thành, khi cô phải tự chi trả cho những chuyến đi của mình bằng đồng lương làm thuê, liệu cô có còn ‘nghiến răng’ đặt những tấm vé hạng nhất ấy để duy trì một thứ mơ hồ gọi là ‘đẳng cấp’ ấy? Mà chính xác, nó chưa bao giờ thuộc về cô? Và cảm xúc của cô lúc ấy sẽ thế nào?
Những câu chuyện trên không có ‘Đúng’ và ‘Sai’, cũng không có ‘Xấu’ hay ‘Tốt’ mà chỉ là vấn đề ‘Phù hợp’ hay ‘Không phù hợp’!
Sự chăm bẵm, bao bọc, quan tâm thái quá sẽ dẫn tới việc tự ý thức về bản thân của trẻ dần biến mất và sẽ lưu lại dấu vết khó phai cho đến khi chúng trưởng thành. Tâm lý dựa dẫm vì luôn được sống trong vùng an toàn và tiện nghi sẽ là lực cản cho chính sự phát triển của chúng.
Ở tuổi thiếu niên, việc hưởng thụ những tiện nghi xa xỉ và nhận những đặc quyền cao cấp một cách quá sớm là điều chưa hẳn bản thân các em đã ý thức được về giá trị của nó hay thực sự mong muốn sở hữu.
…
Nhưng vẫn có những câu chuyện hoàn toàn khác.
Và cũng trong hoàn cảnh của một gia đình rất có điều kiện về kinh tế.
Sau Tết, bé gái đang học lớp 4, rụt rè đề xuất với cha mẹ:
“Con có thể chia một nửa số tiền mừng tuổi của con…cho bạn H được không ạ?”
Kinh ngạc trước đề xuất bất ngờ từ con gái mình, nhưng khi biết rõ lý do, bữa cơm đầu năm của gia đình nhỏ bỗng dưng lắng xuống…
“Bạn H học rất giỏi, nhưng bạn không có bố ạ!”
“Mẹ bạn ấy lại vừa mất, bạn giờ sống với bà ngoại”
“Giáng sinh năm trước, bạn ấy viết thư cho ông già Noel xin một chiếc máy tính để học tiếng Anh”
“Nhưng ông đã không trả lời!”
Cả bố và mẹ ôm chầm lấy con gái bé bỏng, xúc động vì bài học về tình thương và sự chia sẻ mà họ nhận được từ chính con gái mình.
….
Không ít người trong chúng ta ngạc nhiên và khó hiểu cái cách ‘bọn Tây’ nó làm, là sau khi trở thành triệu phú, tỷ phú…họ lại vung tiền làm từ thiện khắp mọi nơi và đôi khi có những người còn chẳng để lại một đồng nào cho gia đình hay con cái.
Chuyện Bill Gates, Warren Buffett hay Steve Jobs và gần đây là Mark Zuckerberg những tỉ phú tự thân lừng danh ở Mỹ cam kết hiến gần như toàn bộ tài sản để làm từ thiện sau khi chết là điều không hề hiếm ở phương Tây.
Và cũng chẳng đợi đến khi chết, các quĩ từ thiện mang tên những vị tỷ phú này đã và đang hoạt động khắp thế giới. Một điều chúng ta ít biết rằng, Việt Nam cũng là một trong những địa chỉ thường có tên trong danh sách của những hoạt động như thế này (*).
Vì sao họ lại chỉ để lại một phần rất nhỏ khối tài sản khổng lồ ấy cho người thân mà không phải là tất cả?
Dù kinh doanh và thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng giữa họ luôn có những điểm chung cho câu hỏi này: (i) Những gì đã nhận được từ xã hội nên được đóng góp ngược trở lại để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. (ii) Không muốn con cái bị triệt tiêu động lực và mục đích sống khi nghiễm nhiên chúng được thừa hưởng quá nhiều tiền bạc và của cải, những thứ mà chúng không tự mình tạo ra. Và (iii) những đứa trẻ còn lại khác cần được tôn trọng và nên được đối xử bình đẳng trong ‘cuộc đua’ với con cái họ.
Ai đó đã từng nói ‘Mất động lực, gần như là mất tất cả!”. Điều đó có thể đang là vấn đề với không ít gia đình ở Việt Nam.
***
Tình yêu không có lỗi. Nhưng, những điều mà chúng ta nhân danh nó để làm cho con cái một cách mù quáng và vô tâm, đôi khi sẽ để lại hệ lụy cho cuộc đời con trẻ mà chính chúng ta sẽ phải hối tiếc…
HP 3/2021
Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting
Ghi chú:
* Tính tới thời điểm 9/2020, Tỉ phú Chuck Feeney đã cho đi toàn bộ tài sản 8 tỉ USD của mình, trong đó có ít nhất 381,5 triệu USD ông đã dành cho Việt Nam.
11