Ảo tưởng nghề nghiệp là một trong những sai lầm phổ biến nhất khi chúng ta chọn ngành và chọn nghề cho bản thân.
Vậy ảo tưởng nghề nghiệp là gì? Và chuyện gì sẽ xảy đến nếu bạn đã và đang ảo tưởng về một nghề nghiệp nào đó?
Với bài viết này, A2Z Education Consulting mong muốn phần nào chỉ ra và giúp các bạn tránh được hậu quả không mong muốn của việc ảo tưởng nghề nghiệp khi thật sự bước vào thế giới việc làm trong tương lai.
Ảo tưởng nghề nghiệp là gì?
Khái niệm “ảo tưởng nghề nghiệp” không thật sự có một định nghĩa chính thống, nhưng A2Z xin phép được diễn giải một cách đơn giản đó như là một sự ngộ nhận về những khả năng của mình đang có và sự kỳ vọng quá mức vào những gì mà nghề nghiệp trong tương lai có thể mang lại.
Cụ thể hơn nữa là khi bạn có những nhận định chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về giá trị của bản thân, giá trị và đặc điểm của nghề nghiệp cũng như môi trường làm việc mà mình muốn theo đuổi trong tương lai.
Từ đó, dẫn đến một nhận định sai lầm rằng mình hoàn toàn phù hợp và có thể thành công dễ dàng trong công việc đó.
Những ảo tưởng về nghề nghiệp thường xuất phát từ những niềm tin thiếu cơ sở thực tế như việc bạn nhìn vào sự thành công của một vài người làm trong lĩnh vực công việc này. Bạn nghĩ họ thật “ngầu”, họ đại diện cho những thứ mình đang theo đuổi và thành công như họ là điều hiển nhiên…
Hay đơn giản là bạn thiếu thông tin và cái nhìn khách quan hoặc thậm chí là khi bạn có đầy đủ thông tin về nghề nhưng lại quên gắn chúng với năng lực thực sự của bản thân.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ảo tưởng nghề nghiệp, nhưng khi đã lựa chọn nghề dựa trên những ảo tưởng này, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng ‘vỡ mộng’ khi thực tế công việc không như những gì bạn mong muốn và kỳ vọng.
Vỡ mộng thành công?
Nếu bạn thường mơ về một công việc an nhàn với mức lương khủng hay muốn theo đuổi một nghề đang ‘hot’ nào đó, hoặc bị ảnh hưởng hào quang nghề nghiệp từ những nhân vật mình thần tượng… mà không cân nhắc sở thích và năng lực của bản thân, thì việc bạn “vỡ mộng” với nghề chỉ là vấn đề thời gian, khi thực sự bước chân vào ngành nghề đó.
Câu chuyện về một bạn trẻ mê nhân vật Sherlock Holmes trong sê ri truyện trinh thám của Arthur Conan Doyle là một ví dụ điển hình.
Từ truyện, ảnh hưởng sang cuộc sống, bạn trẻ này thường tò mò và muốn tìm hiểu những vấn đề nghi vấn chưa được giải đáp xung quanh của mình. Dần dần bạn hình thành ước mơ làm cảnh sát điều tra với bao điều kỳ thú như trong truyện trinh thám, và bạn nghĩ rằng với niềm yêu thích của bản thân, bạn hoàn toàn phù hợp với nghề nghiệp này.
Điều này nghe có vẻ logic, nhưng với chỉ có sở thích thôi, liệu đã đủ cơ sở để bạn đi đến việc lựa chọn rằng cuộc sống của mình sẽ gắn liền với công việc này?
Bạn đã thật sự tìm hiểu công việc thực tế của một cảnh sát điều tra là như thế nào chưa? bạn có biết mình sẽ phải đối mặt với những áp lực hay nguy hiểm gì mà tính chất đặc thù của công việc này thường xuyên mang lại?
Những đòi hỏi khắt khe khác nữa về tính kỷ luật và yêu cầu về sức khoẻ mà nghề cảnh sát điều tra cần có, rồi thu nhập nữa?…vv.
Nếu những câu hỏi cơ bản trên mà bạn trẻ ấy chưa thực sự biết thì chắc chắn bạn đang mắc phải một ‘ảo tưởng nghề nghiệp’.
Cuộc sống đời thường ít thú vị và dễ dàng như những câu chuyện phá án trên phim ảnh rất nhiều!
Mọi giấc mơ đều đáng trân trọng, nhất là khi nó có ích và đóng góp được cho cuộc sống nhiều người. Nhưng khi lựa chọn nghề nghiệp để gắn bó cả cuộc đời, lời mách bảo của trái tim về đam mê không thôi, chưa đủ. Chúng ta cần thêm sự tỉnh táo của một cái đầu.
Khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và không tìm hiểu đúng thông tin cần thiết. Chúng ta sẽ có lựa chọn sai về ngành để học và khi ra trường, khi bước vào thế giới nghề nghiệp rồi lao động thực sự, chúng ta rất dễ ‘vỡ mộng’ bởi chính sự lựa chọn của mình.
Thực tế, không có nghề nghiệp hay môi trường làm việc nào là hoàn hảo cả. Ngoài những hào nhoáng mà bạn nhìn thấy bên ngoài, luôn có những góc khuất, có những áp lực hay thậm chí là nguy hiểm mà bạn sẽ phải đối mặt khi trở thành một phần trong ngành nghề mà bạn thuộc về đó.
Việc ‘vỡ mộng’ dẫn tới chuyển việc, chuyển nghề nhiều lần, với mong muốn tìm được công việc và nơi làm việc phù hợp hơn.
Vậy chúng ta phải làm gì khi điều này xảy ra với mình?
Ngay cả khi bạn phát hiện ra rằng mình đang “vỡ mộng”, bạn cần phải bình tĩnh và kiên nhẫn để nhìn nhận và đánh giá lại những nguyên nhân và lý do thực sự đã dẫn đến tình trạng hiện tại.
Việc bạn “vỡ mộng” chưa đủ để chứng minh bạn đã chọn sai với ngành nghề đó. Bạn nên cho mình một cơ hội thứ hai.
Những điều bạn cần làm ngay lúc này là tìm ra và xác định đúng, chính xác nguyên nhân dẫn tới việc bạn chán nản với công việc hiện tại là gì?
Hãy gọi tên những ‘thủ phạm’ mà chúng thường là nguyên nhân chính trong nhiều trường hợp và gạch nó đi nếu bạn đã chắc chắn nó đã bị loại trừ.
- Sếp trực tiếp
- Môi trường làm việc
- Áp lực và tính chất công việc (khó/nhiều/nhàm chán…)
- Thu nhập
- Quan hệ với đồng nghiệp
- Khả năng đáp ứng của bạn với công việc (sức khoẻ, trình độ…)
- Cơ hội phát triển bản thân
- Thời gian công việc đòi hỏi
- Vv…
Sau khi có câu trả lời cho mình, hãy tự đánh giá xem nó có nên là lý do để bạn thay đổi nghề nghiệp hay không? Bởi nếu vội vàng đưa ra quyết định, bạn rất dễ tiếp tục lặp lại một sai lầm mới trong tương lai. Khi chưa nhìn nhận rõ thực tế công việc và khả năng đáp ứng cũng như năng lực bản thân của mình là gì.
Việc ‘vỡ mộng’ và tìm giải pháp khắc phục sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian để định hình lại lựa chọn của bản thân.
Để tránh điều này, các bạn nên có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định vội vàng nào mà chính cuộc đời chúng ta sẽ là người thụ hưởng.
A2Z Education Consulting có các khoá học hướng nghiệp sớm dành cho các bạn học sinh từ lớp 8 – lớp 12. Và cá biệt có thể nhận cả việc ‘chữa cháy’ cho các bạn sinh viên đại học hoặc đã ra trường đi làm nếu các bạn thực sự mong muốn thay đổi và tìm được một nghề phù hợp hơn.
Tác giả: Huong Do | A2Z
Chi tiết xin liên hệ:
Ms. Huong Do – 0973 665 069
A2Z Education Consulting
Add: 4F, 252 Le Trong Tan, Thanh Xuan, HN
Email: huongdo@a2z.edu.vn
1