Trong công việc của mình, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn trẻ và gia đình của họ, được biết và được chia sẻ nhiều quan điểm và các góc nhìn khác nhau trong chuyện định hướng nghề và tìm tương lai cho con cái.
Thấy được nhiều cách nghĩ, nhiều cách làm khác nhau, thậm chí có những quan điểm có thể gây ‘sốc’ với nhiều người, nhưng ở góc độ nào đó, họ thấy có lý do để làm như vậy.
Trong loạt bài viết này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ với các bậc cha mẹ và các em những câu chuyện điển hình về những thay đổi mà chính các bạn trẻ và gia đình họ đã thực hiện sau khi đã nhận ra điều mình thực sự mong muốn.
Câu chuyện thứ nhất: Khi năng khiếu nghệ thuật được phát hiện ở tuổi 17
Tìm gặp chúng tôi tại văn phòng tư vấn trong một chiều đông ảm đạm của Hà Nội những ngày cuối năm 2016 là một cặp vợ chồng doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất thép của miền Bắc. Đi cùng với họ là một cháu trai đang học lớp 11.
Trong không gian nhỏ ấm cúng, bên tách trà đang tỏa hương nhài dịu nhẹ, anh chị chia sẻ với chúng tôi về những điều lo lắng và tâm tư của bố mẹ dành cho con cái trong việc học hành, về khối lượng kiến thức mà con trẻ đang được hay phải thu nạp mỗi ngày và cả những trăn trở trong cuộc sống riêng của gia đình.
Công việc của bố mẹ vô cùng bận rộn, còn lịch học của cậu con trai thì gần như kín mít tất cả các khung thời gian trong tuần.
Hẹn với chúng tôi cả tháng trước, nhưng rất khó khăn gia đình mới có thể thu xếp được một cuộc gặp gỡ đông đủ như thế này với chuyên viên tư vấn.
Là một gia đình có truyền thống về kinh doanh từ đời ông bà tại Hà Nội những năm Pháp thuộc, nên bố mẹ rất kỳ vọng về sự nối nghiệp ở cậu con trai duy nhất này.
Mọi thứ dường như diễn ra đúng hướng, từ việc học tập kiến thức phổ thông ở trường cho đến việc học các môn phụ trợ khác như tiếng Anh, kỹ năng sống, âm nhạc… cậu đều rất nỗ lực và có thành tích học tập được ghi nhận là rất tốt.
Nhưng cho đến một ngày đẹp trời giữa năm học lớp 11, cậu thản nhiên tuyên bố với gia đình rằng “Con chỉ muốn theo đuổi nhạc Rap!” Và nghề con chọn để theo đuổi sẽ là “Sáng tác và biểu diễn Rap!”
Với vợ chồng anh chị, đây không khác gì một tuyên bố theo kiểu “Campuchia đòi độc lập và sẽ tách khỏi…trái đất”.
Đó cũng chính là lý do chúng tôi có buổi gặp mặt ngày hôm nay.
Trước mặt chúng tôi là một thiếu niên trong một bộ đồ jean được đục thủng lỗ chỗ, chân xỏ đôi bốt to đùng, mũ lưỡi trai viền kim loại, đội hất ngược ra phía sau, tai cậu xỏ đôi khuyên lấp lánh…
+ Con thích Rap từ khi nào? – Tôi mỉm cười hỏi cậu.
Mắt cậu sáng lên đầy hứng khởi khi thấy tên mình được nhắc đến. Như được khích lệ bằng sự chăm chú lắng nghe và những cái gật đầu chia sẻ của người đối diện, cậu say sưa kể về những buổi dã ngoại và sinh hoạt văn nghệ ở trường mà cậu là người dẫn dắt các bạn vào các trò chơi tập thể, được các bạn tán thưởng về các bản Rap mà cậu ngẫu hứng ứng tác mỗi khi có dịp sinh hoạt chung…
+ Con có sáng tác nào mới không?
– Dạ, con mới có một bài về mẹ!
+ Woah, thật là tuyệt! – Tôi khích lệ.
Không hề ngần ngại, cậu đứng ngay dậy và bắt đầu nhún nhẩy biểu diễn tác phẩm Rap của mình giữa không gian yên tĩnh của một văn phòng tư vấn!
Bố khẽ lắc đầu với vẻ mặt đăm chiêu hơn, mẹ cố nén để không buông ra một tiếng thở dài…
Sau tràng vỗ tay, cậu ngồi xuống, đầy tự tin và theo mạch cảm xúc, cậu tiếp tục chia sẻ thêm về những trải nghiệm ấn tượng mà mình có được khi sinh hoạt chung với các bạn.
Chúng tôi chỉ ngồi và lắng nghe những điều cậu say sưa mô tả về Rap và bản thân.
Rồi khi cảm xúc tạm lắng xuống.
+ Con đã tìm hiểu về Rap ở trên thế giới và ở Việt Nam chưa?
– Dạ, con…chưa! Mà sao hả chú?
+ Con có muốn biết nó thực sự là như thế nào không?
– Là sao hả chú?
+ Là chú sẽ giúp con biết: Nó đến từ đâu? Sinh ra như thế nào? Phát triển trong môi trường nào? Những ai là người đã thành công? Muốn trở thành người như họ cần phải làm gì? Và ai là những người sẵn sàng trả tiền để nghe nó?
– Dạ, thế thì tốt quá!
+ Những người có chuyên môn sâu sẽ giúp con tìm hiểu những điều này. Họ cũng sẽ giúp con đánh giá năng khiếu của chính mình nữa! con có muốn không?
– Con luôn sẵn sàng!
+ Vậy chú xếp lịch cho con nhé!
– Dạ vâng.
Khuôn mặt của cả hai bố mẹ cậu như giãn ra. Ánh mắt lo lắng ban đầu giờ như nhường chỗ cho niềm hi vọng.
Khi chia tay, chúng tôi chốt lịch hẹn của con với các thày cô ở Học viện Âm nhạc Quốc Gia và ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Và hẹn gặp lại gia đình cùng con sau khi đã có kết quả đánh giá về năng khiếu âm nhạc mà các thày cô đưa ra một cách độc lập.
***
Gặp lại gia đình sau hơn một tháng, vẻ hào hứng và tự tin trên khuôn mặt cậu trai đã giảm đi ít nhiều, thay vào đó là sự lưỡng lự pha chút lo âu.
Chúng tôi chưa vội bóc thư để đọc kết quả sơ bộ mà các thày cô gửi cho cậu ngay mà đề xuất cậu và gia đình cùng chơi một trò chơi nhỏ có tên “Career Ladder” (Một game tìm hiểu nghề có sử dụng sơ đồ, con xúc xắc, các câu hỏi vui về nghề nghiệp…khá thú vị)
Chỉ sau vài phút dè dặt ban đầu, cậu liền hào hứng với từng lần tung con xúc xắc và tự tin viết ra những câu trả lời mạch lạc cho những câu hỏi mà cậu bốc được trong trò chơi; về ước mơ, hoài bão, sở thích nghề nghiệp, môi trường làm việc và mục tiêu mà cậu hướng đến trong tương lai…
Trong suốt buổi gặp ngày hôm ấy, không ai trong chúng tôi nhắc đến một từ nào liên quan đến Rap! Mọi thứ cứ diễn ra một cách tự nhiên và nhẹ nhàng như chính hơi thở của cuộc sống vậy.
+ Con có muốn thử để biết mình là người có tính cách và sở thích như thế nào nữa không?
– Dạ, có!
Chúng tôi cùng nhau thử nghiệm công trình nghiên cứu của hai giáo sư người Mỹ là Katharine Briggs cùng con gái của bà là Isabel Briggs Myers về nhận diện tính cách cá nhân. Công trình mà sau này được biết đến với tên gọi MBTI test.
Kinh ngạc và bất ngờ với kết quả mà bài trắc nghiệm MBTI đưa ra nhận xét về mình, cậu chàng mong muốn được thử tiếp một công trình nghiên cứu khác nữa về sự tương đồng giữa sở thích cá nhân với các nghề nghiệp cụ thể. Đây cũng là một công trình của một vị giáo sư đáng kính người Mỹ là tiến sỹ John L. Holland (1919-2008), người tạo ra mô hình phát triển nghề nghiệp mà đến nay phần lớn các trường trung học ở Mỹ đều đưa vào diện đáng được tham khảo trong việc hỗ trợ học sinh ra quyết định lựa chọn về nghề nghiệp.
– Con thấy có nhiều lựa chọn nghề nghiệp thú vị quá chú ạ!
Cậu chàng đưa ra nhận xét sau khi hoàn thành xong cả hai bài trắc nghiệm.
+ Vậy con có muốn tìm hiểu kỹ thêm về một lĩnh vực nghề cụ thể nào mà con có quan tâm không?
– Dạ có!
+ Nhưng trước khi cùng làm điều đó, bây giờ là lúc chú cho con và gia đình xem kết quả mà các thày cô ở cả Học viện Âm nhạc QG và ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhận xét về con. Con sẵn sàng đón nhận không? Nếu kết quả không như mong muốn?
– Con đã chuẩn bị tâm lý từ trước rồi chú ạ! – Cậu chàng mỉm cười vẻ tinh nghịch.
Chúng tôi cùng nhau mở lá thư thứ nhất trong sự hồi hộp của bố mẹ. Nhưng cu cậu thì tỏ ra bình thản đến lạ.
Không có bất kỳ một kết quả cụ thể nào, mà chỉ có một lời khuyên nhỏ: “Giới nhạc sĩ, rất ít người trên thế giới thành công khi mãi đến tuổi 17 họ mới bắt đầu học nhạc!”
Nội dung bức thư thứ 2: “Đ.T nên chọn nó như một môn năng khiếu thì tốt hơn là một nghề nghiệp chính để theo đuổi suốt cuộc đời!”
Khác với hình dung của chúng tôi và của vợ chồng anh chị về phản ứng và tâm lý của con khi đón nhận kết quả, cậu chàng gật gù rồi ‘phán’ một câu mà cả bố lẫn mẹ đều khó có thể tưởng tượng trước khi đưa cậu đến đây:
– Con thấy hợp lý!
+ Cái gì hợp lý? – cả bố và mẹ như cùng đồng thanh bật hỏi.
– Những lời trong hai bức thư!
Như trút được tảng đá nặng đã phải cùng nhau khiêng vác suốt một chặng đường dài, cả hai vợ chồng anh chị cùng thở phào nhẹ nhõm rồi đứng dậy siết chặt tay chúng tôi.
+ Phía trước là cả một hành trình dài để con hiểu rõ hơn về thế giới nghề nghiệp và con đường của riêng mình. Con sẵn sàng chứ? Tôi hỏi cậu.
Cu cậu gật đầu mỉm cười tự tin và giơ một ngón tay cái hướng về phía tôi.
Tôi biết mình đang gặp và sẽ được làm việc với một người trẻ tuổi giàu năng lượng và đầy cá tính.
***
Chia tay anh chị và con trong một ngày cuối năm đầy bận rộn, mới hơn 17h mà dưới kia, đèn đường đã bật, dòng người quay tròn giữa ngã tư, hết tụ rồi lại tán, tán rồi lại tụ…xoay như con đèn cù.
Ngoài kia, những chấm mưa xuân đầu tiên đang nhè nhẹ găng trắng đầy cả bầu trời. Chợt thấy lòng thanh thản lạ!
Nhấp một ngụm trà, hương nhài lan ấm tỏa…, xếp lại tài liệu và thư tín, tôi với tay lấy chiếc áo khoác, khép cửa văn phòng và cũng vội hòa mình vào dòng người đông đúc trong một buổi chiều cuối năm.
Một mùa xuân nữa sắp lại về…
HN 12/2016
Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting
***
Khi câu chuyện này được chia sẻ thì nhân vật chính trong câu chuyện đang học tới năm thứ 3, lĩnh vực CNTT (ngành Cyber Security), tại ĐH Webster, St. Louis, Missouri, Mỹ.
Tuy cậu không chọn ngành QTKD theo như mong muốn của bố mẹ, nhưng Đ.T đã biết mình thực sự là ai, và tìm ra được một ngành nghề mà cậu có thể theo đuổi cả cuộc đời. Tránh được một lựa chọn đầy cảm tính và thiếu suy xét.
Câu chuyện của Đ.T là điển hình của một trong “6 sai lầm phổ biến nhất trong lựa chọn nghề nghiệp” mà người ta thường gọi đó là “Sự Ngộ nhận Bản thân”.
Bài sau: Câu chuyện thứ #2: Ảnh hưởng từ các bố mẹ thành công.
21