Câu chuyện thứ 2: Ảnh Hưởng Từ Các Bố Mẹ Thành Công
***
– Có lẽ em không thể tiếp tục làm công việc này nữa anh ạ!
Tôi ngạc nhiên trước sự dãi bày thẳng thắn của Q.H. Nhưng vì biết nhau cũng đã lâu, nên chúng tôi dễ dàng để bắt đầu một câu chuyện mà chẳng hề cần phải ‘thăm dò’ hay ‘phá băng’ như những trường hợp khác. Hơn nữa trước mặt tôi là một thạc sĩ ngành tài chính và đã có kinh nghiệm tới 3 năm làm việc tại một trong những ‘Big 4’ ngành ngân hàng của Việt Nam.
H sinh trưởng trong một gia đình mà cả hai bố mẹ đều là công chức nhà nước. Họ là những người giữ các trọng trách trong tổ chức của mình và có sức ảnh hưởng không nhỏ trong giới tài chính. Không hề ngạc nhiên khi bố mẹ đều muốn định hướng cho cả hai anh em H vào các lĩnh vực liên quan đến ngành ngân hàng sau này.
Tốt nghiệp Học Viện Ngân Hàng, với ảnh hưởng và tác động của bố mẹ, H dễ dàng có được một công việc mà nhiều người phải ước mơ tại một trong những ngân hàng lớn nhất, nhưng H không có được cảm giác vui vẻ mỗi buổi sáng khi đi làm và luôn cảm thấy như ‘Mình không thực sự thuộc về nơi này!’.
H cũng từng có những thành công nhỏ, được đề bạt và thăng tiến… nhưng anh không cảm nhận được rằng mình hạnh phúc khi đạt được những điều đó.
– Đằng sau những quyết định bổ nhiệm và thăng tiến đó, luôn có bóng dáng của sự ảnh hưởng từ những người khác! – Cậu trải lòng.
Sau gần 3 năm công tác, do yêu cầu của công việc và cũng nhận thấy nếu muốn có những vị trí tốt hơn, cậu cần phải có bằng cấp cao hơn. Cùng với lời động viên của bố mẹ, H tiếp tục đăng ký một khóa học thạc sĩ ngành tài chính tại Anh Quốc.
Trở về, cậu tiếp tục vào làm việc tại ngân hàng cũ. Nhưng ngay trong những tuần đầu tiên, H nhận ra mọi thứ dường như vẫn y chang như khi cậu chưa đi học cách đây hơn 3 năm. Những con người cũ, công việc cũ, qui trình cũ và tư duy cũ…
Những kiến thức H được học ở Anh Quốc gần như không được sử dụng. Tấm bằng thạc sĩ mà H có, mang tính biểu tượng nhiều hơn là được dùng cho công việc thực chất của mình.
– E cảm thấy mệt mỏi! khi mỗi sáng thức dậy, nghĩ lại phải tới một không gian tẻ nhạt, nở những nụ cười “công nghiệp” và làm một thứ công việc mà mình không thực sự muốn…Thật là chán nản!
+ Không ít bạn trẻ gần đây cũng gặp những vấn đề tương tự như em! – Tôi tỏ ý đồng cảm và động viên.
– Em cảm thấy không có động lực làm việc và bắt đầu nghi ngờ bản thân!
…
Tôi ngồi chăm chú lắng nghe H chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình, trong hơn một giờ đồng hồ, từ việc học tập đến việc đi làm của cậu, hình bóng của cha mẹ luôn hiện hữu rõ nét. Và dường như trước khi làm bất cứ điều gì, thì việc đầu tiên H nghĩ đến là “Liệu bố mẹ có đồng ý hay không?”.
Trong hoạt động hướng nghiệp, chúng tôi biết rằng, khi bạn trẻ xuất hiện tâm lý “nghi ngờ vào khả năng của chính bản thân mình” đó là ngưỡng tâm lý vô cùng đáng ngại. Nó có thể dẫn tới nhiều hành động mất tự chủ và không kiểm soát một cách vô thức.
+ Vấn đề không phải do em không có khả năng, cũng không phải do em lười biếng! Mà là ở động lực làm việc! – Tôi tìm cách vực dậy tâm lý đang ở trạng thái “rất đuối” của H.
– Vâng, thật ra từ lâu em đã không có hứng thú với việc tiếp xúc với dữ liệu và làm việc liên quan tới các con số của người khác! quyết định theo học ngành tài chính và vào làm việc tại ngân hàng cũng là hoàn toàn để chiều theo ý bố mẹ.
H cảm thấy nhẹ nhõm khi thốt ra được điều bí mật mà cậu đã luôn phải giấu kín.
+ Bố mẹ có thể luôn ở bên cạnh và sống thay cuộc đời của chúng ta được không? – Tôi quyết định khơi dậy sự tự chủ trong H.
Cậu im lặng.
+ Em nghĩ mình có thể chiều lòng để bố mẹ vui thêm bao lâu nữa?
– Có lẽ em phải thay đổi – Không trả lời thẳng vào câu hỏi, H buột miệng.
+ Nếu điều đó làm cuộc sống của em tốt lên. Tại sao không? – Tôi mỉm cười động viên H.
– Anh giúp em với!
+ Anh luôn sẵn sàng, vì đó là công việc thường ngày của anh. Tuy nhiên, vì lẽ em không còn quá trẻ để chỉ làm thử một việc gì đó rồi bỏ, để lấy trải nghiệm như những bạn khác. Mà cần phải thực sự rất cẩn trọng trong bước lựa chọn thứ 2 này của mình! Thêm nữa, nếu phải bỏ lại cả khối kiến thức và những bằng cấp tài chính mà em đã học để rẽ hẳn qua một nghề khác là cả một sự hi sinh và mất mát không nhỏ đâu đấy! – Tôi cảnh báo.
H trầm ngâm, nhưng tôi cảm nhận được sự quyết tâm trong sự im lặng ấy.
+ 6 năm học và 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính sẽ mất! Nếu em chọn một nghề không hề liên quan! – Tôi làm một thống kê nhỏ để thử quyết tâm của cậu.
– Em nghĩ kiến thức tài chính vẫn giúp ích được cho em trong lĩnh vực mới! – H tự tin. Duy chỉ có điều em chưa biết phải nói chuyện với bố mẹ như thế nào! – Cậu lưỡng lự và nét đăm chiêu lại hiện rõ trên khuôn mặt.
Bây giờ thì tôi quyết định đứng hẳn về phía cậu để H có thêm dũng khí thay đổi.
+ Khi các ngôn từ hoa mỹ bất lực. Tốt nhất nên dùng sự thẳng thắn! Không bố mẹ nào ngăn cản những ước mơ và hoài bão chính đáng của con cái đâu! Dũng cảm lên, anh bạn trẻ!
H như tỉnh khỏi cơn buồn ngủ. Đôi mắt ánh lên vẻ quyết tâm.
– Vậy, bây giờ phải bắt đầu từ đâu hả anh?
+ Hiểu mình! Luôn là như thế, trước khi em bắt tay vào làm bất cứ việc gì! Em cần phải biết rõ bản thân mình là người như thế nào? Mình thực sự muốn gì? Muốn trở thành ai? Và sẽ sống trong môi trường nào? Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần phải có câu trả lời trước khi đi tiếp bước thứ hai.
– Bước thứ hai là gì ạ? H. Bắt đầu tỏ ra hào hứng.
+ Là hiểu rõ thế giới nghề nghiệp! Thứ mà em muốn theo đuổi. Kể từ các đặc điểm cơ bản nhất cho đến các cơ hội và cả những thách thức mà nó có!
– Em hiểu rồi! Tuần sau mình bắt đầu được không anh?
***
Kết thúc khóa học hướng nghiệp, H chọn một nghề mà dường như tất cả đều té ngửa: Làm bánh!
Nhưng cậu không chọn chỉ để thử, mà cậu làm thật. Với một khóa học ngắn hạn 9 tháng có tên “Pastry Diploma” tại trường Le Cordon Bleu/Canada – một cái tên được coi như Harvard của nghề làm bánh trên thế giới và hầu hết các đầu bếp của các khách sạn năm sao đều đã từng học trong hệ thống trường này.
Khối kiến thức và kinh nghiệm về tài chính và ngân hàng mà H tích lũy được không hề bị lãng quên. Nó giúp ích rất nhiều cho cậu trong việc hoạch định chiến lược phát triển, quản lý và lên kế hoạch tài chính cho hệ thống các tiệm bánh ngọt mà H đang sở hữu tại SG.
Khi được đề nghị, mình sẽ là một trong những nhân vật trong loạt câu chuyện điển hình về hướng nghiệp, H vui vẻ đồng ý nhưng không quên nhắc nhẹ “Tên em viết tắt thôi à nha! Kẻo các má, các dì, các cô… đến tiệm lại chỉ hỏi thăm cái thằng thạc sĩ ngân hàng giờ đi nhào bột mà hổng thèm mua bánh là em bắt đền cưng đó nghen!”
Khi tôi hỏi thăm về “sức khỏe các cụ” H như hiểu ngầm ý của tôi, Cậu cười rồi vờ lắc đầu: “Giờ toàn bộ bạn bè và các mối quan hệ của ông bà đều trở thành khách hàng của em mất rồi! Mệt thiệt….!!!”
Không nhiều người may mắn như H, khi cậu vẫn tận dụng được các kiến thức về tài chính để phát triển công việc kinh doanh sau này. Nếu không, 9 năm sẽ là thời gian mà cậu phải trả giá cho sự lựa chọn ban đầu của mình.
Câu chuyện mà H từng trải qua, là một trong những điển hình của “6 sai lầm phổ biến nhất trong lựa chọn nghề nghiệp” mà thường được gọi tên là “Chọn nghề theo sự áp đặt/ảnh hưởng từ người khác”.
Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting
< Bài trước: Câu Chuyện Hướng Nghiệp (#1): Khi Năng Khiếu Nghệ Thuật Được Phát Hiện Ở Tuổi 17
> Bài sau: Câu chuyện thứ 3: Sự Hấp Dẫn Từ Hào Quang Nghề Nghiệp
10