Tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, chuyến tàu hỏa đưa tôi từ Hà Nội vào Đà Nẵng đã đi đến những km cuối cùng trên hành trình đến với thành phố biển của miền Trung.
Một cơn mưa buổi sớm chắc vừa vội ghé qua đây. Những hàng cây mướt lá xanh, như vẫn còn đọng lại chút nước sau mưa. Đà Nẵng của một buổi sáng đầu thu, mát mẻ và trong lành.
Tàu dừng bánh, tài xế của khách sạn nơi chúng tôi ở đã đợi sẵn ở sân ga. Anh nở một nụ cười hiền hậu, tự giới thiệu nhanh về mình rồi giúp chúng tôi chất đồ đạc ra xe và nhanh chóng di chuyển về khách sạn.
“Cái ấn tượng ban đầu, khi bạn đặt chân đến bất kỳ đâu, nó sẽ theo bạn gần như suốt hành trình ở đó!”, ai đó đã từng nói như vậy. Và tôi đang thầm mong, cái ấn tượng đẹp về thành phố này sẽ còn theo tôi trong suốt chuyến đi. Dù với Đà Nẵng, đây không còn là lần đầu tiên tôi đến.
Sau cả một buổi chiều làm việc với dày đặc lịch hẹn, bữa tối là thời gian thư thả hơn với cả gia đình. Không gian phòng ăn của khách sạn được bài trí khá tinh tế với 3 gam màu chủ đạo; đen, trắng và vàng. Trên tường, những bức tranh miêu tả phong cảnh thanh bình của các làng quê miền trung bộ, được chiếu sáng bởi những ánh đèn vàng dịu nhẹ. Tiếng nước chảy róc rách từ một tiểu cảnh non bộ gần đó, làm cho không gian nhỏ này như có riêng cuộc sống của nó. Tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ngoài kia.
Thời gian như trôi rất chậm ở đây.
Bữa nay vì chiều cậu ấm, nên cả nhà quyết định đặt ăn đồ tây. Chúng tôi ngồi vào bàn, ấn tượng với cảm giác sạch sẽ từ chiếc khăn trải bàn trắng muốt cùng bộ dao dĩa sáng bóng được bày biện ngay ngắn và đầy đủ, thứ tự theo đúng chuẩn phục vụ của một Diner Set Âu châu.
Các món bắt đầu được dọn lên, khai vị là các món súp hải sản, trứng cá muối với bánh mì phô mai.
Các món chính gồm ức vịt sốt cam, bò bít tết và sườn cừu nướng…tất cả đều nóng hổi, dậy vị và được bày biện trang nhã.
Vì là một fan đồ Tây, nên cậu nhóc nhà tôi chỉ chốc lát đã nhanh chóng dọn xong phần của mình trong khi mọi người vẫn còn đang dùng bữa và bình phẩm về các món ăn.
Tôi rất ngạc nhiên khi được thưởng thức những món được coi là tinh hoa ẩm thực Pháp được chế biến đúng điệu với ‘original taste’ bản xứ, ngay tại một khách sạn nhỏ 3 sao ở Đà Nẵng.
Khi bữa tối sắp kết thúc, ngồi nhâm nhi tách trà nóng và nhấm nháp những chiếc bánh Macaron tráng miệng thơm phức, cảm giác tò mò xâm chiếm và tôi quyết định mình phải tìm hiểu xem ai là tác giả của những gì mà mình vừa được thưởng thức này.
Và đó chính là lý do tại sao mà phần mở đầu câu chuyện này lại ‘dông dài’ và ‘dậy vị’ như vậy.
***
Không khó để tôi có thể được gặp và có câu chuyện với Q.M sau đó. Ở ngoài đời, ít ai nghĩ một thanh niên với vóc dáng cao to, vặm vỡ, gương mặt rất ‘manly’ như cậu mà lại là một đầu bếp chính hiệu.
Tôi tỏ ý cảm ơn cậu vì một bữa tối ngon miệng cùng với cả gia đình. Cậu cười vui vẻ và cũng lịch sự cảm ơn tôi và gia đình đã lựa chọn lưu trú tại Ks của cậu khi đến Đà Nẵng.
Anh chàng chắc đã học được bí quyết của nghề DLKS này sâu lắm rồi đây! Tôi thầm nghĩ.
+ M. năm nay bao nhiêu tuổi rồi em?
– Dạ, em năm nay mới ‘băm những nhát đầu tiên’ thôi. Cậu cười pha trò.
Tôi cũng cười và gật đầu trước vẻ hài hước dễ mến của M.
+ Mới ngoài ba mươi mà giỏi giang thế! Chắc mọi thứ đều thuận lợi với em nhỉ? Tôi gợi chuyện.
– Ôi không anh ơi, ba má suýt ‘từ’ em đó!
Tôi ngạc nhiên nhìn M, không tin vào những gì cậu nói.
Q.M cười hiền lành và bắt đầu chia sẻ với tôi câu chuyện của cậu.
“…ba má em làm kinh doanh địa ốc và luôn muốn em sau này làm một công việc gì đó liên quan đến buôn bán…
…nhà có điều kiện về kinh tế nhưng ba má bận suốt! thời gian quan tâm đến bọn em không nhiều. Trên em có hai ông anh, một đã có cuộc sống riêng, một thì không may vướng vào tệ nạn xã hội…”. Giọng M như trầm xuống.
“…em thì từ bé đã không có hứng thú với các việc liên quan đến mua bán, kinh doanh, hay quản lý tiền bạc…
…vì là con út và ba má lại hay kẹt công chuyện, nên việc nấu nướng, nội trợ…phần lớn đều do em làm. Và em cũng cảm thấy thích thú khi được làm, nhìn thấy mọi người ăn uống những món mình làm một cách ngon lành, em cảm thấy có niềm vui!”
“…đến khi học sắp hết cấp 3, bạn bè trong lớp đều chọn thi ĐH vào các khối ngành như kinh tế, quản trị, kỹ thuật hay tài chính…Riêng em lại chọn đi học nghề nấu ăn!
Ban đầu, ba má em phản ứng dữ dội. Gây áp lực lớn lên em. ‘Nghề tốt thì không làm, đi làm cái nghề phục vụ người ta, mặt mũi thì lem luốc, lúc nào cũng chỉ chui lủi trong xó bếp!’.
Và sẽ không chu cấp học phí nếu em chọn theo nghề này. Em như bị dội gáo nước lạnh trước quan điểm ấy của ba mẹ”.
“…thực ra, em mê nghề này từ rất lâu rồi. Từ khi học lớp 9 em đã thấy có sở thích và bắt đầu tìm hiểu. Em cũng biết hệ thống đào tạo chính qui ở VN về nghề nghiệp này là rất hạn chế và không tốt. Nên khi ba má nói ‘không chu cấp học phí’ thực sự cũng đã gây cho em một cú sốc lớn. Vì nó gần như chặn đứng con đường phía trước của em. Vì mục tiêu của em là đi du học”.
Dừng lại một chút, như để nhớ lại những giây phút khó khăn mà cuộc sống đã từng trải qua. Nhấp một ngụm cà phê nhỏ, M tiếp tục câu chuyện của mình.
“Biết ba má là người không dễ thuyết phục, ban đầu em chọn chiến thuật im lặng. Cả tháng trời không nói năng gì. Nhưng chẳng có si-nhê. Sau đó vì buồn chán, rồi chểnh mảng ăn uống, không quan tâm đến bản thân. Từ một người cao 1,78 m nặng gần 80 ký, em sút xuống còn 65 ký trong vòng 3 tháng. Em nhỡ một kỳ thi đại học.
Ba má phát hoảng và bắt đầu lo sợ.
Có lẽ sự việc ấy đã gây áp lực ngược lên ba má em.
Nhưng vẫn chưa đem lại kết quả rõ rệt, ba má vẫn bảo lưu quan điểm trước đó.
Và rồi, em quyết định tiến hành một chiến thuật mới, mà em gọi là ‘Liên hoàn kế’ đó là: Lôi kéo đồng minh, tấn công vào tình cảm và…chia ‘địch’ để đánh!
+ Chà chà…! Tôi bắt đầu bị lôi cuốn vì sự kịch tính trong câu chuyện của Q.M
– Em mê Tam Quốc anh ạ! Mẹo trong truyện cả đấy. Cậu cười giải thích.
“Thế là ông anh cả em được nhập cuộc với vai trò là người thương thuyết với ba má và em đã thuyết phục được ổng sẵn sàng đầu tư một nửa số tiền học phí cho em.
Với má, thì sau nhiều ngày được tỉ tê riêng, cũng đã có vẻ xuôi xuôi…
Vậy là kế hoạch đã thành công được một nửa.
Nhưng với ba em thì khác, ông không dễ thay đổi và có thành kiến rằng ‘Làm bếp là một nghề không sang! Chỉ dành cho đàn bà, con gái và những người thấp kém!’.
Em rất buồn và thất vọng vì cách nghĩ này của ba. Giờ thành đạt, ba đã quên mất trước đây mình cũng từng là một người thợ hồ.
Lại một rào cản nữa cần phải vượt qua.
Và lần này thì má em lại đóng vai trò là người thương thuyết với ba em.”
+ Khó nhỉ. Tôi kêu lên.
– Dạ, chưa hết đâu anh, ba cần ở em một kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Nếu thuyết phục được, thì ba mới không ngăn cản nữa. Riêng điều này thì em thấy ba có lý và nó thực sự có ích với em.
Và suốt cả tháng trời sau đó, em phải xây dựng một kế hoạch học tập và xác định mục tiêu dài hạn cho công việc của mình.
Từ học cái gì, ở đâu, tốn bao nhiêu tiền? Sau này ra trường làm gì? Kỳ vọng thu nhập bao nhiêu? Kế hoạch trả tiền đầu tư lại cho anh và ba mẹ thế nào?….Quá trời câu hỏi mà em phải tự giải đáp và bảo vệ trước các nhà đầu tư của cuộc đời mình!
Nhưng em làm với niềm vui và sự say mê kinh khủng anh ạ! Như thể đây là cơ hội cuối cùng trong cuộc sống của mình vậy! Dù lúc đó em chỉ mới tốt nghiệp cấp 3.
Khi tất cả chuẩn bị xong, em ‘rình’ một buổi mà ba má em có tâm trạng vui nhất để báo cáo.
Và chẳng dịp nào có thể tốt hơn dịp mà ba má em chính thức lên ông bà nội…”
– Thật may mắn, I have passed my first exam! Q.M cười và ngẫu hứng nói một câu tiếng Anh.
Tôi gật đầu, thật sự tâm đắc và nể phục với cách làm của cậu. Ở lứa tuổi ấy, rất ít người có thể làm được những điều tương tự.
– Qua chuyện này em rút ra một điều: mọi thứ cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và có kế hoạch cụ thể. Ngay cả với những người trong gia đình mình, dù là có một ý định tốt đi chăng nữa, cũng cần phải biết ứng xử khéo léo thì mới mong đạt được kết quả.
***
Giờ thì tôi đã có được lời giải thích cho những điều mà tôi tò mò trước khi gặp được tác giả của những món ăn thượng hạng mà chúng tôi được thưởng thức.
Với một người, khi ở tuổi 18 mà đã biết tự lập kế hoạch cho cuộc đời mình và xây dựng phương án để thực hiện nó thành công với các nhà đầu tư khó tính và đầy thành kiến như vậy, thì việc điều hành và quản lý một bếp ăn của một ks ba sao chắc chắn không phải là chuyện khó với cậu.
Sau khi đạt được thỏa thuận với gia đình, Q.M lên đường du học nghề bếp tại Melbourne, Úc. Tại một ngôi trường nổi tiếng mà cậu đã ‘ngắm nghía’ từ lâu. Sau hơn 3 năm ‘luyện chảo’, cậu về lại ĐN. Và với uy lực danh tiếng của chứng chỉ mà cậu sở hữu, Q.M dễ dàng xin được vào phục vụ tại một Ks 5 sao quốc tế tại đây. Khi đã có kinh nghiệm 5 năm thực tế với những thương hiệu Ks hàng đầu, cậu ứng tuyển vào vị trí bếp trưởng tại Ks này.
Và làm việc từ đó tới nay.
+ Mới ‘băm những nhát đầu tiên’ mà đã ở vị trí bếp trưởng? Trường hợp của em có hiếm trong nghề này không?
– Dạ, với qui mô Ks 3 sao thì cũng vẫn có anh ạ. Còn 4-5 sao quốc tế thì gần như là không!
+ ?!
– Với các Ks cao cấp, vị trí bếp trưởng ngoài đòi hỏi về kỹ năng vượt trội, còn phải có bề dày kinh nghiệm quản lý ở các môi trường quốc tế khác nhau. Kinh qua nhiều vị trí, càng có trải nghiệm văn hóa các quốc gia khác nhau càng có lợi thế. Và quan trọng nhất là phải có phong cách riêng, độc đáo nữa. Nên người trẻ khó lòng đạt được những tiêu chuẩn này, mà cần phải có thời gian để tích lũy.
***
Chia tay Q.M, tôi thầm mong rằng; rồi cậu cũng sẽ có được những thành công trong bước tiếp theo của nghề nghiệp mà cậu vốn hằng yêu mến và đầy đam mê theo đuổi này.
Câu chuyện của M cũng là điển hình của một trong “6 sai lầm phổ biến nhất trong lựa chọn nghề nghiệp” thường gặp mà người ta thường gọi là “Thành kiến nghề Cao quí & Thấp kém”.
ĐN 9/2019
Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting
< Bài trước: Câu Chuyện Hướng Nghiệp (#3): Sự Hấp Dẫn Từ Hào Quang Nghề Nghiệp
> Bài sau: Câu chuyện thứ #5: Chọn Nghề Khi Thiếu Thông Tin & Yếu Tố Sức Khỏe
9