Nhiều trường đại học chưa thật sự chú trọng mảng giáo dục giới tính cho sinh viên
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai. Việt Nam trong nhóm nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số đau lòng này là việc thiếu kiến thức về giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản trong giới trẻ. Mời bạn đọc theo dõi loạt bài: #GIẬT MÌNH CHUYỆN ‘YÊU’ CỦA SINH VIÊN
Trong khi sinh viên còn e dè trong việc tiếp cận những câu chuyện về tình dục, thì nhiều trường đại học trên cả nước cũng bỏ ngỏ việc dạy, hướng dẫn các kiến thức về sức khỏe tình dục, sinh sản cho sinh viên. Chính điều này đã dẫn đến những lỗ hổng kiến thức ngày càng lớn.
Xấu hổ khi mua bao cao su
Theo một nghiên cứu gần đây do Đại học Y Hà Nội và Cao đẳng Y tế Hà Nội thực hiện trên 2.700 sinh viên của 6 trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội, về kiến thức, thực hành và biện pháp tránh thai ở các bạn trẻ, cho thấy có 16% các bạn được hỏi đã có quan hệ tình dục nhưng chỉ 1/3 trong số này sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục lần đầu, 1/4 các bạn được hỏi cho biết thấy xấu hổ nếu đi mua bao cao su.
“Vào tiệm mua bao cao su kỳ lắm. Chẳng bao giờ mình đến những tiệm ấy”, H.P.B., sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM, nói.
Trường hợp của B. không ngoại lệ. Khi phóng viên thực hiện khảo sát nhỏ về vấn đề này đối với 20 sinh viên đang học tại TP.HCM, đã có 16/20 người cho biết đã có quan hệ tình dục nhưng không sử dụng bao cao su vì cảm thấy “rất ngại mua”.
“Vô đó (nơi bán bao cao su – PV) là bị đánh giá hư hỏng. Nên thà “thả rông” rồi sau đó mua thuốc tránh thai cho bạn gái uống”, một nam sinh viên năm 2 Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nói một cách trớ trêu.
Trong 4 ý kiến còn lại thì có sinh viên cho biết: “Đã từng mua, nhưng đeo kính và bịt khẩu trang kín mít”. 5/20 sinh viên khảo sát là nữ thì tất cả đều quả quyết: “Không bao giờ vô tiệm mua bao cao su”.
Nam sinh trùm kín mặt vì ngại ngùng khi đi mua bao cao su
Anh Nguyễn Trung Tuấn, chủ tiệm kinh doanh bao cao su trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Mở tiệm bán được hơn một năm, nhưng chưa bao giờ có khách hàng là nữ sinh cả. Chủ yếu là các bạn nam, nhưng cũng đều trùm kín mặt khi bước vào mua”.
Ngoài ra, cũng theo khảo sát của phóng viên, đa số sinh viên đều thừa nhận “cảm thấy ngại ngùng khi tham gia vào những cuộc trò chuyện mà bạn bè, hoặc người thân… nhắc đến chuyện tình dục”. “Những lúc đó mình toàn bỏ đi ra chỗ khác vì thấy ngại vô cùng”, Đ.T.T, nữ sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, chia sẻ.
N.T.A, nữ sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, thật thà: “Từng tham gia tập huấn về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Khi nghe chuyên gia nói về những vấn đề như: sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, phòng các bệnh lây qua đường tình dục, phòng các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, phòng ung thư vú và ung thư sinh dục, phòng và điều trị vô sinh,… là em đã đỏ mặt, muốn độn thổ. Không chỉ riêng em mà nhiều bạn cùng lớp cũng vậy”.
“Chưa chú trọng mảng này vì sinh viên lớn rồi”
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), cho rằng sinh viên ở độ tuổi bắt đầu có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Thêm vào đó sinh viên thường sống xa nhà, bắt đầu có sự tự do nhất định, không còn bị quản lý, kiểm soát chặt chẽ của gia đình, nên dễ dẫn tới việc quan hệ tình dục nhiều hơn, dễ dàng hơn so với các lứa tuổi khác. Vì thế, nếu không có kiến thức thì hậu quả rất nặng nề.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho biết hiện nay độ tuổi dậy thì và trưởng thành ngày càng trẻ hơn. Trong khi đó độ tuổi kết hôn lại ngày càng tăng lên, kéo dãn ra, dẫn đến chuyện tình trạng “vượt rào” nhiều hơn.
Tuy vậy, khi đề cập đến việc có một bộ phận sinh viên thiếu hụt kiến thức về sức khỏe tình dục, sinh sản một cách trầm trọng, liệu trường có những hoạt động nào để bổ túc kiến thức cho sinh viên?
Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng Lê Phước Cường cho biết: “Chưa thật sự chú trọng mảng này. Vì sinh viên đã lớn rồi, nghĩ là không cần thiết để mở ra những buổi trò chuyện về chuyên đề này đâu. Trường chỉ có chú trọng về vấn đề kỹ năng, học tập, nghiên cứu khoa học mà thôi”.
Nhiều trường có CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên, tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả Ảnh minh hoa Ạ̉nh minh họa Shutterstock
Tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM có CLB Chuyện to nhỏ. Khi thắc mắc các vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản và tình dục, sinh viên có thể đến để được tư vấn. Còn theo Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, thì theo định kỳ hàng tháng, trường tổ chức các buổi trò chuyện, tư vấn về kỹ năng, tâm lý, sức khỏe cho sinh viên. Trong đó lồng ghép những vấn đề về “chuyện khó nói”, để trang bị kiến thức cho sinh viên.
Cùng quan điểm, Bí thư Đoàn Trường ĐH Quốc gia Hà Nội Trương Ngọc Kiểm, cho rằng: “Đây không phải là vấn đề chính của hoạt động Đoàn”.
Ông Kiểm nói thêm: “Dù trường có CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên; tuy nhiên, hoạt động chưa hiệu quả, không là điểm sáng nổi bật, còn nằm trong ‘vùng trũng’. Vả lại gần trường đã có Trung tâm Ngôi nhà Tuổi trẻ (thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương – PV), ở đó đã tư vấn mọi thứ về vấn đề này. Nếu trường cùng làm song song thì e rằng không hiệu quả”.
Tương tự, khi nhắc đến vấn đề tăng cường các khóa học hoặc buổi nói chuyên về sức khỏe tình dục, hiểu biết sinh lý, đại diện nhiều trường đại học thừa nhận chưa quan tâm.
Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách khoa TP.HCM Trần Trung Nghĩa, cho biết: “Sinh viên của trường có thể dễ dàng tiếp cận những kiến thức này qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là trên mạng. Vì thế Đoàn trường không có chủ trương làm những chương trình riêng biệt về kiến thức sức khỏe tình dục, sinh sản cho sinh viên. Những chương trình dạng này ngày càng ít dần đi”.
Trong khi đó, có những trường tuy có tổ chức những buổi tập huấn, chuyên đề về giáo dục giới tính cho sinh viên; tuy nhiên, phần lớn đều chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. P.T.N, nữ sinh viên một trường đại học ở Q.5, TP.HCM, cho biết: “Trường chỉ mời chuyên gia đến nói phớt phớt trong vòng vài chục phút, nên tham gia những buổi này cũng như không, chẳng tiếp thu được kiến thức gì”.
ĐH Sư phạm TP.HCM từng triển khai việc phát bao cao su miễn phí cho sinh viên nhưng hiện nay đã tạm ngừngẢnh minh họa Shutterstock
Chính vì chưa xem trọng việc hướng dẫn kiến thức cũng như kỹ năng về sức khỏe tình dục, sinh sản cũng cho sinh viên, nên khi được hỏi: “Liệu có sự thay đổi nào trong thời gian sắp đến về vấn đề này, hoặc tổ chức các hoạt động hướng dẫn kiến thức một cách bài bản, chuyên sâu?”, đại diện nhiều trường cho biết: “Chưa nghĩ đến”.
Được biết, tại TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm từng triển khai việc phát bao cao su miễn phí cho sinh viên. “Tuy nhiên trong hai năm trở lại đây, hoạt động này đã ngưng”, Phó chủ tịch Hội sinh viên Trường, cho biết. Và khi hỏi về câu chuyện này, liệu có nghĩ việc đặt máy phát miễn phí bao cao su cho sinh viên như cách mà nhiều khu công nghiệp đã làm, đại diện nhiều trường nói: “Chưa tính tới chuyện đó”.
Vì sao ngại đi mua bao cao su?
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, phân tích, sở dĩ sinh viên còn thấy ngại ngần không dám đi mua bao cao su vì chiếu theo văn hóa, quy ước, cũng như chuẩn mực xã hội ở Việt Nam thì chưa được phép. Chỉ khi nào cưới vợ, cưới chồng, đã lập gia đình mới được mua. Họ ngại mua bao cao su là vì vậy. Họ đã và đang thực hiện một hành vi chuẩn mực do chính xã hội đề ra. Ngoài ra, việc sinh viên còn e dè khi nhắc đến những vấn đề cơ bản, những hiện tượng, câu chuyện nhạy cảm trong tình dục… cũng là do quan điểm xã hội, văn hóa định hướng.
Vậy đến khi nào, các bạn trẻ và xã hội mới tự cởi bỏ những suy nghĩ, định kiến, những quy ước đã không còn phù hợp với thời đại nữa? Đến bao giờ mọi người nhắc đến, nói về cái bao cao su không như một hiện thân của điều xấu xa, tội lỗi nữa?
Xuân Phương (thanh nien)