Việc phân tích dữ liệu và sử dụng nó một cách phù hợp cho các chiến lược kinh doanh đang là một công việc ngày càng trở nên cần thiết và hữu dụng cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Không có số liệu để phân tích thì sẽ khó có một bản báo cáo hay một bản kế hoạch kinh doanh nào thuyết phục được người nghe. Và quan trọng hơn nữa là khi người ta dùng nó để làm cơ sở để triển khai một kế hoạch kinh doanh mới với nguồn tài chính lớn.
Do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng trong lĩnh vực này đang tăng nhanh, không chỉ ở quốc tế mà cả ở Việt Nam.
Hãy cùng A2Z Education & Consulting tìm hiểu rõ hơn về công việc của một chuyên gia phân tích dữ liệu qua bài chia sẻ sau của cô Susan McKenzie, phó trưởng khoa STEM tại Đại học Southern New Hampshire (SNHU).
Công việc của một chuyên gia phân tích dữ liệu là gì?
Một chuyên gia phân tích dữ liệu thường xem xét dữ liệu để xác định được những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp và cách sử dụng chúng để giải quyết các vấn đề phát sinh. Họ cũng truyền đạt thông tin này đến ban lãnh đạo và các cổ đông khác của công ty.
Ngày nay, công nghệ đóng vai trò dẫn dắt thế giới, các dữ liệu được thu thập, phân tích và diễn giải để giải quyết một loạt các vấn đề trong kinh doanh. Với tư cách là một chuyên gia phân tích dữ liệu, vai trò của bạn tác động mạnh mẽ tới sự phát triển và thành công của một tổ chức.
Một chuyên gia phân tích dữ liệu còn hơn là một “siêu nhân giải toán”. Họ xem xét dữ liệu và xác định cách sử dụng nó để giải quyết các vấn đề, tìm hiểu những vấn đề cốt lõi về doanh nghiệp và gia tăng lợi nhuận. Những chuyên gia phân tích cũng truyền đạt thông tin này tới các bên liên quan, bao gồm lãnh đạo công ty.
“Suy cho cùng, công việc của một chuyên gia phân tích dữ liệu là đưa ra những nhận định sâu sắc cho tổ chức để làm thế nào khiến cho doanh nghiệp tiến lên phía trước và phát triển thành công”, Susan McKenzie, phó trưởng khoa STEM tại Đại học Southern New Hampshire (SNHU) cho biết.
Nếu bạn quan tâm làm thế nào để trở thành một chuyên gia phân tích dữ liệu, điều quan trọng là phải hiểu được công việc hàng ngày của một chuyên gia phân tích dữ liệu chuyên nghiệp và cách để chuẩn bị cho một sự nghiệp thành công ở lĩnh vực đang phát triển này.
Thế nào là một chuyên gia phân tích dữ liệu?
Các chuyên gia phân tích dữ liệu đóng một vai trò quan trọng trong một công ty hiện đại, hỗ trợ việc đánh giá vận hành và nguồn khách hàng của công ty, xác định xem các yếu tố này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận như thế nào và tư vấn cho ban lãnh đạo về cách để phát triển việc kinh doanh.
Theo bà McKenzie, các chuyên gia phân tích dữ liệu thành công thường mạnh về các kỹ năng toán học và thống kê, cũng như:
- Kỹ năng phân tích để thu thập, đánh giá và phân tích thông tin
- Kỹ năng với các con số để đo lường và phân tích thống kê dữ liệu
- Kỹ năng kỹ thuật bao gồm sử dụng phần mềm và ngôn ngữ lập trình để sắp xếp và trình bày dữ liệu
Các chuyên gia phân tích dữ liệu cũng cần có một nền tảng vững chắc về kiến thức kinh doanh và kỹ năng chuyên môn, bà McKenzie cho biết, từ việc ra quyết định và giải quyết vấn đề đến giao tiếp và quản lý thời gian. Quan tâm tới tiểu tiết là một trong những kỹ năng phân tích dữ liệu quan trọng nhất, đảm bảo rằng dữ liệu được phân tích một cách năng suất và hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các lỗi sai sót.
Là một chuyên gia phân tích dữ liệu, bạn có thể thực hiện thu thập dữ liệu bằng phần mềm, bảng khảo sát hay các công cụ thu thập dữ liệu khác, thực hiện các phân tích thống kê về dữ liệu và giải thích thông tin được thu thập để thông báo về các quyết định kinh doanh quan trọng, bà McKenzie chia sẻ. Ví dụ: chuyên gia phân tích dữ liệu có thể đánh giá nhân khẩu học của những khách hàng đã bấm vào một chiến dịch quảng cáo cụ thể trên trang web của một công ty. Dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng để xem liệu chiến dịch có đang tiếp cận đúng đối tượng khách hàng hay không, chiến dịch hoạt động tốt như thế nào và liệu có nên chi tiền cho loại quảng cáo này một lần nữa hay không.
Một nhân viên phân tích dữ liệu có thể làm việc ở đâu? Một khối lượng dữ liệu lớn đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận ngay cả đối với các doanh nghiệp nhỏ, khiến nhu cầu tuyển dụng các nhân viên phân tích ngày càng cao trong nhiều ngành nghề. Theo báo cáo năm 2017 của IBM, các công việc về dữ liệu và phân tích được dự đoán sẽ tăng thêm 364.000 lượt tuyển dụng – lên 2,72 triệu – vào năm 2020, với nhu cầu cao nhất về tuyển dụng chuyên viên phân tích dữ liệu ở các ngành tài chính, bảo hiểm, dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ thông tin.
Nhiều tổ chức thậm chí đã thành lập các nhóm chuyên phân tích thông tin, với các vai trò tập trung vào dữ liệu bao gồm các quản trị viên cơ sở dữ liệu, chuyên gia khoa học dữ liệu, kiến trúc sư dữ liệu, quản lý cơ sở dữ liệu, kỹ sư dữ liệu và tất nhiên là các chuyên gia phân tích dữ liệu, bà McKenzie nói.
Làm thế nào để trở thành một chuyên gia phân tích dữ liệu
Cho dù sở thích cụ thể của bạn là gì trong thế giới phân tích dữ liệu, bạn sẽ cần có một tấm bằng cử nhân để bắt đầu trong lĩnh vực này. Trong khi nhiều người bắt đầu sự nghiệp phân tích dữ liệu với bằng toán học, xác suất thống kê hay kinh tế, thì những tấm bằng phân tích dữ liệu đang trở nên phổ biến hơn và khiến bạn trở nên nổi bật trong lĩnh vực đang phát triển này, theo bà McKenzie.
“Với sự gia tăng của lượng dữ liệu có sẵn và các kỹ năng kỹ thuật cao cấp, việc có được bằng đại học chuyên biệt về ngành phân tích dữ liệu sẽ cung cấp khả năng nắm vững các kỹ năng cần thiết cho thị trường hiện nay”, McKenzie nói.
Trong chương trình hệ cử nhân về phân tích dữ liệu, bạn sẽ được tiếp xúc với các lĩnh vực như kinh doanh, công nghệ thông tin và toán học, cùng với đó là đi sâu vào khai thác, mô phỏng và tối ưu hóa dữ liệu. Bạn sẽ học được cách xác định và diễn giải các thách thức về dữ liệu trong các ngành, thu được các kĩ năng thực tiễn về thu thập, sắp xếp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và tìm hiểu cách kiểm tra dữ liệu để xác định thông tin liên quan. Bạn cũng sẽ được chuẩn bị để sử dụng các bản phân tích thống kê, mô phỏng và tối ưu hóa để phân tích và áp dụng dữ liệu vào các tình huống thực tế, đồng thời sử dụng chúng để thông báo tới những người có quyền đưa ra quyết định trong một tổ chức.
Một tấm bằng thạc sĩ về phân tích dữ liệu có thể thúc đẩy sự nghiệp của bạn đi xa hơn, khám phá ra cách sử dụng dữ liệu để đưa ra các dự đoán và cách dữ liệu liên quan đến việc quản lý rủi ro. Bạn sẽ được đi sâu hơn vào việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, khám phá công việc quản lý dự án và phát triển các kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo.
Việc tìm kiếm một cơ hội thực tập trong quá trình học có thể mang lại cho bạn trải nghiệm thực tế quan trọng, khiến bạn trở nên nổi bật hơn khi nộp đơn ứng tuyển cho các công việc phân tích dữ liệu, bà McKenzie cho biết, rằng khi tham gia các hiệp hội về ngành phân tích dữ liệu, việc nghiên cứu thống kê và vận hành có thể cung cấp cho bạn các cơ hội kết nối quan trọng với mọi người để sự nghiệp của bạn được phát triển.
Chuyên gia phân tích dữ liệu vs chuyên gia khoa học dữ liệu
Các chuyên gia phân tích dữ liệu đóng một vai trò đặc biệt trong những công việc tập trung vào dữ liệu thường thấy ở các doanh nghiệp ngày nay. Thuật ngữ “chuyên gia phân tích dữ liệu” và “chuyên gia khoa học dữ liệu” thường được sử dụng thay thế cho nhau, mặc dù vai trò của chúng khác nhau đáng kể.
Trong khi một chuyên gia phân tích dữ liệu tập hợp và phân tích dữ liệu, thì một chuyên gia khoa học dữ liệu lại phát triển các mô hình thống kê và sử dụng phương pháp khoa học để giải thích dữ liệu và đưa ra các dự đoán, theo bà Susan McKenzie, phó trưởng khoa của chương trình STEM tại Đại học Southern New Hampshire. Bà đưa ra một ví dụ về các chỉ số thời tiết. Trong khi một chuyên gia phân tích dữ liệu có thể thu thập nhiệt độ, áp suất khí quyển và độ ẩm, thì một chuyên gia khoa học dữ liệu có thể sử dụng chúng để dự đoán liệu nó có tạo thành một cơn bão hay không.
“Họ đang nghiên cứu dữ liệu để xác định được khuôn mẫu và đưa ra quyết định một cách khoa học xem kết quả là gì “, bà ấy nói. “Chuyên gia phân tích dữ liệu làm một phần các công việc mà các chuyên gia khoa học dữ liệu làm.”
Các chuyên gia khoa học dữ liệu thường phải có bằng thạc sĩ, bà McKenzie cho biết , trong khi các chuyên gia phân tích dữ liệu thường cần bằng cử nhân cho vị trí đó.
Con đường sự nghiệp của chuyên gia phân tích dữ liệu
Với một tấm bằng về phân tích dữ liệu, bạn sẽ sẵn sàng tham gia vào một lĩnh vực đang phát triển và bắt đầu con đường sự nghiệp phân tích dữ liệu thú vị.
Khi công nghệ ngày càng tiến bộ và chúng ta dành nhiều thời hoạt động trực tuyến hơn, dữ liệu chất lượng cao sẽ dễ dàng được thu thập hơn, khuyến khích nhiều tổ chức đồng hành cùng chuyên gia phân tích dữ liệu. Trên thực tế, một cuộc khảo sát từ Glassdoor đã chỉ ra chuyên gia khoa học dữ liệu là sự nghiệp tốt nhất cho năm 2018. Quản lý phân tích dữ liệu cũng nằm trong danh sách này, ở vị trí thứ 18, nhờ có mức lương cao và tỉ lệ hài lòng trong công việc.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia toán học và các chuyên gia thống kê dữ kiến sẽ tăng 33% tới năm 2026. Việc làm cho các chuyên gia phân tích nghiên cứu vận hành dự kiến sẽ tăng 27% và việc làm cho các quản trị viên cơ sở dữ liệu dự kiến sẽ tăng 11% đến năm 2026.
Nghề phân tích dữ liệu cũng có khả năng thu nhập cao. Các chuyên gia phân tích dữ liệu trung bình đã kiếm được mức lương cơ bản là 83.878 đô la vào năm 2018, theo Glassdoor, với bậc quản lý phân tích dữ liệu kiếm được mức lương cơ bản trung bình hơn 135.000 đô la.
Với các cơ hội nghề nghiệp trong hầu hết mọi ngành, bạn có thể mang tấm bằng phân tích dữ liệu của mình tới bất cứ nơi nào tùy thuộc vào mối quan tâm của bạn.
“Nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên phân tích dữ liệu đang gia tăng trong nhiều ngành và lĩnh vực vì dữ liệu đã trở thành một yếu tố quan trọng của mỗi doanh nghiệp”, bà McKenzie nói. “Bằng đại học về phân tích dữ liệu sẽ mang tới một vị trí khởi đầu trong nhiều ngành nghề tùy thuộc vào kỹ năng của từng cá nhân.”
—
Bài viết được biên dịch từ “What Does a Data Analyst Do?” của Dale Stokdyk trên snhu.edu bởi A2Z Education Consulting.
1