Chia sẻ nhỏ về sự khác biệt giữa văn hóa ‘Tây’ và ‘Ta’ trong đời sống của sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài du học.
***
Khi bạn nhận được thông báo có visa từ LSQ, tâm lý chung là sự háo hức và niềm vui vỡ òa. Vì trước đó là cả một quá trình dài chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc trang bị tiếng Anh cho đến chuẩn bị hồ sơ tài chính, phỏng vấn. Rồi căng thẳng trong chờ đợi và hi vọng.
Sinh viên ĐH Oxford/Photo: oxfordlearning
Bạn và gia đình sẽ cố gắng chuẩn bị hành trang đầy đủ theo hướng dẫn của một văn phòng tư vấn du học nào đó hay là những chia sẻ kinh nghiệm qua FB, email của các du học sinh đã và đang du học…
Ngoài những vật dụng thường ngày, họ còn căn dặn bạn mang theo từ cặp kính cận để ‘sơ cua’, cho đến những viên thuốc cảm cúm, hay việc đổi bằng lái xe quốc tế, thậm chí còn tư vấn các bạn trai nên biết cắt tóc được cho nhau (Chi phí này ở Tây là không hề rẻ. Một đầu nam ở Mỹ thường là từ $ 25-$ 50 tùy từng tiệm và ở từng địa điểm).
Nhưng ít ai nói với bạn những câu chuyện về văn hóa và thói quen sinh hoạt của cộng đồng nơi bạn sẽ đến. Nếu có, cũng chỉ là các chủ đề về thời tiết, ẩm thực, các địa điểm nên ‘check in’ hay các thông tin về giao thông, đi lại…
Tất nhiên, đó chắc chắn là những điều cần thiết mà bạn nên có, những kiến thức cơ bản như vậy sẽ giúp ích rất nhiều để mang theo bên mình trước khi hòa nhập với một môi trường mới. Một xã hội mà mọi thứ ở đó hoàn toàn xa lạ với bạn.
Cho dù bạn sống chung phòng với nhiều người khác, nhưng về cơ bản là bạn đã tách ra khỏi đời sống gia đình quen thuộc của mình tại Việt Nam, nơi trước đó bạn bị chi phối bởi sự bảo vệ và chăm sóc của chính những người thân của mình. Còn bây giờ, khi đã ở trời Tây, bạn tự chủ hoàn toàn và tự do quyết định những việc mình thích làm, phải làm và cần làm.
Sớm thì 18 tuổi để bắt đầu vào ĐH, muộn thì 22 hoặc hơn nữa để học tiếp lên bậc cao hơn…
Mọi con số thống kê đều cho thấy rằng, tần suất liên lạc về gia đình của các bạn du học sinh đều sẽ giảm dần theo thời gian khi các bạn theo học bên Tây.
Đây cũng chính là thước đo cho mức độ thích nghi với môi trường mới. Nó tăng dần lên cũng theo thời gian ấy.
Tùy xã hội nơi bạn đến, mức độ có thể là khác nhau, nhưng sự phân biệt chủng tộc và kỳ thị là có thật. Kể cả trong cộng đồng người Việt (giữa người nói giọng Nam và giọng Bắc). Chỉ là họ thể hiện ra như thế nào mà thôi. Điều này cũng phụ thuộc cả vào cách hành xử của bạn với môi trường sống xung quanh rất nhiều.
Xã hội phương Tây có nhiều ‘Nguyên tắc bất thành văn’ mà bạn nên biết và nên tuân thủ, nếu không muốn bị coi thường và bị họ nhìn như một kẻ lố bịch. Họ tôn thờ và đề cao tự do cá nhân. Nhưng điều này không luôn đồng nghĩa với việc bạn muốn làm gì thì làm.
“Giới hạn tự do của người này, chính là sự tự do của người khác!”. Điều này có nghĩa bạn có thể làm bất cứ điều gì, miễn là không ảnh hưởng hay xâm phạm đến không gian riêng tư của người khác. Đây cũng chính là nguyên tắc sống cơ bản của xã hội phương Tây.
Một số điều có thể chỉ là ‘tiểu tiết’ và gần nhưng chẳng ai thèm để ý ở Ta, thì đôi khi có thể biến bạn thành trò cười ở bên Tây. Nếu muốn hòa nhập tốt, bạn cần phải học cách quan sát và tự biết nhiều thứ, vì sẽ chẳng ai tự nhiên lại đến chỉ dạy cho bạn.
Đừng khi nào cố tỏ ra hào phóng khi đứng dậy tuyên bố trả tiền cho một bữa ăn chung mà không có lý do với những người mới quen biết. Trừ khi, bạn chủ động mời tất cả và có lịch trước cho điều đó. Cùng trong một hoàn cảnh, ở Ta, bạn sẽ được đánh giá là người ‘hào hiệp, ga-lăng’, và rất có điểm trong mắt các bạn gái. Nhưng ở Tây, đơn giản điều ấy là sự dị hợm.
Phần lớn HSSV Ta, đều khá ngỡ ngàng trong những ngày đầu khi chứng kiến và thực hành văn hóa ‘share the bill’ ở Tây.
Còn rất nhiều điều ‘nhỏ nhặt’ khác mà bạn nên tìm hiểu, ví dụ như thế nào là cách sử dụng dao, dĩa, khăn ăn đúng cách? vị trí ngồi trong bàn ăn khi bạn đóng vai khách mời? hay thế nào là cách cầm một ly rượu vang chuẩn? nên đi trước hay đi sau một phụ nữ mặc váy khi cùng bước lên cầu thang trong nhà?…
Trong cách phối đồ, khi bạn diện sơ mi cắm thùng, đi giày Tây và quần có ly thì đừng bao giờ sỏ một đôi tất trắng. Hoặc nếu không có thì thôi, bạn cũng đừng nên cài chiếc kẹp cà vạt của bạn quá cao hoặc quá thấp so với đỉnh túi áo ngực của chiếc sơ mi. Còn lúc dùng bữa, khi trong miệng còn thức ăn, nên để hai môi khép lại…vv và vv…
Trong đời sống sinh viên thường ngày chỉ toàn quần jean, áo pull và bánh mì sandwich, thì những điều trên chẳng có gì to tát. Nhưng nếu có những dịp lễ với không gian trang trọng, bạn cần có những kiến thức cơ bản về Âu phục và các qui tắc giao tiếp phù hợp với văn hóa bản xứ.
Sinh viên Harvard trong một dịp lễ/Photo: Harvard
Vấn đề không phải là Đúng/Sai, hoặc Thích/Không thích. Mà là bạn có muốn bị biến thành một sự dị biệt lố bịch trong mắt số đông hay không?
Bạn cũng đừng quá kinh ngạc khi bạn sống chung trong một apartment với các sinh viên khác quốc tịch, đặc biệt là khi có các bạn Tây. Rồi một đêm đầy sao nào đó, bạn đi toa-lét và bắt gặp cảnh tồng ngồng ngay trong nhà. Đây không phải là điều phổ biến, nhưng cũng không phải quá hiếm trong sinh hoạt. Và bạn cần phải chuẩn bị tinh thần cho những điều ấy.
Trên đây chỉ là một vài ‘tiểu tiết’, nó không gây ra bất cứ hậu quả gì ghê gớm. Nhưng nếu bạn muốn được mọi người tôn trọng và nhìn nhận là người lịch thiệp trong giao tiếp thì bạn nên hòa mình với văn hóa chung của nơi bạn sống và nên có lựa chọn phù hợp cho mình.
Xã hội phương Tây chú trọng và đánh giá rất cao khả năng trong giao tiếp với xã hội của mỗi cá nhân. Nếu bạn thành thạo và giỏi trong lĩnh vực này. Nó cũng có nghĩa, các cơ hội để bạn phát triển bản thân sẽ rộng mở.
Trong một số trường hợp khác, có những sự không hiểu biết về văn hóa sẽ đưa bạn vào tình huống dở khóc dở cười.
Câu chuyện về một nữ sinh của chúng ta dưới đây là một ví dụ.
…Sau khi dự một ‘Night party’ cô bạn người Việt của chúng ta (mới qua) vui vẻ đồng ý khi được một hotboy Tây ngỏ lời muốn giúp, đưa cô về nhà. Khi về đến nơi, vì đoạn đường hơn 30 km và giữa đêm khuya tuyết giá. Cảm cái tấm lòng ấy của chàng Tây tốt bụng, cô gái của chúng ta tỏ ý biết ơn bằng việc mời chàng vào trong nhà để ‘uống một cái gì đó cho ấm’.
Trong nhà, một bạn gái khác (cũng người Việt mới qua), dù đã khuya vẫn đang cặm cụi làm việc cá nhân.
Uống đến mấy ly trà và cũng đợi mãi…vẫn thấy cô bạn cùng phòng kia ngồi làm việc riêng và dường như cũng không có ý định dời đi. Chàng Tây tốt bụng không kiềm được nữa, mới hỏi cô bạn được mình đưa về: “Em có muốn anh nói thẳng ra với con kia không?”.
!!!???
Cả ba đều không hiểu nhau trong tình huống này!
Các bạn gái nên nhớ rằng; Ban đêm, nhất là sau tiệc tùng, khi bạn được người khác giới cho quá giang về nhà mà bạn lại chủ động ngỏ ý mời anh ta vào nhà ‘uống một cái gì đó’ thì điều ấy ở Tây, nó đồng nghĩa với việc một ‘Sex Offer’ được đưa ra theo cách tế nhị nhất.
Nếu bạn gái thực sự không muốn. Thì đừng tỏ ra lịch sự theo cách văn hóa Việt Nam vẫn làm. Hành động đúng ở đây là: Xuống xe, quay lại mỉm cười, nói chúc ngủ ngon và bạn…đi thẳng vào nhà.
Tâm lý ‘áy náy‘ vì muốn trả ơn trong tình huống này theo văn hóa Ta, đôi khi có thể dẫn bạn đến việc…sinh ra một em bé ngoài mong muốn.
Với các bạn trai Việt Nam, cho dù là háo hức khám phá điều mới lạ, nhưng nếu cũng ở trong tình huống trên, khi các em gái Tây đã ‘Good night’ với bạn, bạn nên biết phải dừng lại ở đâu. Trừ khi đó là một lời mời theo kiểu ‘Would you like something to drink?’ thì xin chúc mừng bạn.
Nhưng hãy nhớ, luôn mang theo BCS trong mọi tình huống. Điều này, không chỉ là sự bảo vệ mà còn mang tính ‘Trách nhiệm’ của bạn với các partner và nó luôn được đánh giá cao.
Tình dục không có gì xấu. Nhất là khi chúng ta đã trưởng thành và hoàn toàn tự do.
Ở Ta, chuyện này thường được ‘link’ tới các vấn đề về nhân phẩm, đạo đức và sự ràng buộc. Nhưng ở Tây, tình dục đơn thuần là sở thích, sự tự do, và quyền cá nhân.
Nhưng cũng nên nhớ sự phóng khoáng phương Tây không luôn đồng nghĩa với dễ dãi và bừa bãi.
Điều nên nhớ là bạn cần phải biết cách lo cho bản thân và phòng tránh những hậu quả không mong đợi. Nó có thể đến với bạn và cả ‘đối tác’ của bạn.
Đặc biệt là với các bạn gái! cần lưu ý thêm rằng: ở Tây, bạn không được phép phá thai và cũng không thể mua được loại thuốc này ở bất kỳ hiệu thuốc nào, trừ khi có chỉ định của bác sỹ. Chính vì điều này, đừng ngại mua TTT hay BCS, nếu không muốn để mình rơi vào một tình huống tồi tệ.
Cuối cùng, các bạn cả nam và nữ hãy luôn nhớ: Mọi thứ đều rất cần ‘Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng’. Nhất là khi nếu có hậu quả, các bạn gái có thể phải trả giá bằng ít nhất 2 năm bị delay trong học tập.
Điều ‘được’ duy nhất ở đây là đứa bé có thể sẽ được mang quốc tịch nước sở tại (như Mỹ và một số ít nước khác), cho dù bạn không có hôn thú.
Đôi lời chia sẻ với các bạn du học sinh yêu mến.
Chúc các bạn có những năm tháng tuổi trẻ du học thú vị và đáng nhớ.
Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting.
*Thuật ngữ Tây trong bài được hiểu trong diện hẹp là các quốc gia mà Hs Việt Nam thường đi du học là Mỹ, Canada, Anh, Úc…
6