Chúng ta thường nghe nói về những khoản chi phí du học Âu, Mỹ, Canada lên tới hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đô la một năm.
Nhưng câu chuyện sau đây kể về một trường hợp cá biệt của một nam sinh châu Á, người đã thu xếp hành trang và lên đường tự đi du học từ một xứ sở nghèo khó với một hành trình kỳ lạ và duy nhất.
Đi không chút tiền bạc, về không một mảnh bằng cấp! Nhưng những điều mà anh ta mang lại cho mình và cho những người anh yêu mến khiến tất cả phải gọi anh như một vị anh hùng.
Xuất phát điểm từ một trong những vùng quê nghèo khó nhất ở châu Á, quanh năm phải đối mặt với mất mùa, nạn đói, mù chữ và phần lớn trẻ em ở đây đều không hoặc có rất ít cơ hội được đến trường.
Không IELTS, không DELF hay bất cứ bằng cấp chứng chỉ ngoại ngữ nào. Hành trang của anh mang theo chỉ là chút quần áo cũ với khát vọng lớn thay đổi cuộc đời. Gạt đi những giọt nước mắt đã nhòe đi trên khuôn mặt cô bạn gái thôn quê trong một buổi chiều tà ở một bến tàu cũ, anh cũng chẳng dám một lời hứa hẹn ngày trở về.
Lênh đênh trên biển với hải trình dường như vô định. Buôn chuyện với bất kể người nước ngoài nào ở đủ mọi tầng lớp xã hội cốt để nâng cao trình ngoại ngữ.
Tự trang trải chi phí sinh hoạt bằng cách đi làm thuê tất cả những nghề. Từ nặng nhọc nhất bằng chân tay như khuân vác, quét đường, dọn tuyết trên những đường phố châu Âu, cho đến những công việc khác như sắp chữ trong xưởng in, thợ vẽ, chụp ảnh dạo…nghề nào anh cũng sẵn sàng làm. Miễn là có được chút kinh phí trang trải cuộc sống.
Không như các du học sinh khác, nam sinh này trên đường đi du học của mình đã đặt chân lên cả 4 châu lục gồm cả Âu, Mỹ, Phi và châu Á. Tổng cộng có trên 20 quốc gia trên thế giới mà chàng thanh niên này đã đi qua.
Có hai ngôi trường mà nam sinh này đã từng đăng ký theo học, là đại học Sorbonne, CH Pháp và đại học Phương Đông, Moscow, LB Nga là địa chỉ thứ hai. Và có điểm trùng lặp giữa hai ngôi trường trên với nam sinh này là anh chưa từng tốt nghiệp bất cứ trường nào. Vì dường như mục đích học của anh không phải là để lấy bằng cấp.
Đây là bản đồ check in (chưa đầy đủ) các quốc gia tiêu biểu ở 4 châu lục mà nam sinh này đã từng đặt chân.
Trong quá trình vừa đi vừa học, người thanh niên châu Á này khi dừng chân tại Pháp, còn là một thành viên sáng lập cả một chính đảng tại đây. Đấu tranh phản đối những chính sách phi lý của nhà cầm quyền. Cũng trong thời gian này, anh tham gia vào các hoạt động chính trị phi bạo động rộng khắp ở châu Âu và Mỹ với rất nhiều tên gọi và sử dụng nhiều passport khác nhau.
Theo những số liệu chưa đầy đủ, thì nam sinh này có thể đọc thông, viết thạo, làm chủ 5 ngoại ngữ khác nhau gồm tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung và Tây Ban Nha. Và thực tế cho thấy rằng, trong thời gian sống ở các nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc anh đã viết báo với các chủ đề liên quan đến chính trị, đời sống người nghèo bằng cả 5 thứ tiếng trên. Thậm chí, còn cho ra đời một tuyển tập thơ nổi tiếng bằng chữ Hán1.
Hành trình du học và khám phá thế giới mà đa phần bằng đường biển và đường bộ của nam sinh này kết thúc sau đúng 30 năm tròn. Khép lại một hành trình dài của một con người nhỏ bé đầy khát vọng nhưng bắt đầu mở ra một lịch sử huy hoàng cho một tộc người yếu thế, nghèo đói và lạc hậu nhất châu Á thời bấy giờ.
Ngày trở về, thanh xuân đã mãn, nam sinh ngày xưa giờ trong hình hài một ông cụ, râu đã để chỏm dài, tóc đã điểm bạc gió sương. Những người dân ở quê hương ông đang phải đối mặt với đói nghèo và chịu kiếp làm nô lệ cho người nước ngoài. Bằng kinh nghiệm và vốn sống tích lũy được trong suốt hành trình tự học, ông tập hợp, qui tụ và thuyết phục được mọi tầng lớp khác nhau để cùng đứng dưới một lá cờ chung, vùng lên dành quyền tự do cho chính mình.
Chỉ sau 4 năm về lại quê hương, ông đã tổ chức và lãnh đạo người dân nước mình đứng lên tuyên bố thành lập một quốc gia tự do mới. Xóa tan đi hoang tàn của chế độ phong kiến lạc hậu và bất bình đẳng.
Cũng chính ông, chỉ sau đó 9 năm với các chiến binh của mình mà nền tảng ban đầu chỉ có 34 người với vũ khí thô sơ và phần lớn là những người dân tộc tiểu số, đã tổ chức thành một đội quân hùng hậu lên đến hàng vạn người, để rồi vây hãm và đánh cho tan tác một đội quân thiện chiến và khét tiếng nhất nhì thế giới2 thời bấy giờ trong một thung lũng lòng chảo, để làm nên một chiến thắng chấn động toàn cầu3 mà từ điển quân sự thế giới đã buộc phải thừa nhận trí tuệ của người dân quê hương ông.
Và cũng chính ông cùng những người học trò do ông dìu dắt, 21 năm sau bằng một cuộc trường chinh trong máu và lửa đạn, tiếp tục một lần nữa đánh bại hoàn toàn một đội quân còn hùng mạnh hơn gấp bội với những vũ khí tối tân nhất thế giới4 . Để rồi kết thúc trong khúc tráng ca khải hoàn và mở ra một kỷ nguyên chói lọi của một dân tộc nhỏ bé ở châu Á.
Người ta tính rằng, trong chưa đầy 50 năm5, trong thế kỷ 20 này, đất nước quê hương ông, dưới sự lãnh đạo của ông và các học trò của mình đã đánh bại tổng cộng tới 4 đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới6 , để lịch sử mãi ghi nhận rằng, người nam sinh lưu lạc 30 năm trước, khi đi không một đồng dắt túi, khi về không một mảnh bằng vắt vai, trở về chỉ với hai bàn tay trắng nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường cùng với khả năng thuyết phục và gắn kết mọi tầng lớp trong xã hội, đã dẫn dắt dân tộc mình rũ bùn nô lệ đứng dậy hiên ngang ghi tên mình vào bản đồ thế giới.
Câu chuyện về người nam sinh đi du học tự túc này cho chúng ta thấy rằng nếu có mục đích rõ ràng, có quyết tâm sắt đá cộng với khát vọng thay đổi thì mọi chuyện đều có thể làm và làm được!
Người nam sinh ấy có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng sau này thế giới thường được biết đến ông với các tên gọi Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh.
9/2019
Bùi Nguyên Sắc/A2Z Education & Consulting.
***
Chú thích:
1. Tập thơ “Nhật Ký Trong Tù”, 2. Pháp, 3. Trận Điện Biên Phủ, 4. Mỹ, 5. Từ 1945 – 1979, 6.Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc
17