A2Z Education & Consulting lược dịch và gởi tới các bạn trẻ cùng những người có mong muốn khởi nghiệp bài viết hữu ích của cô Saga Briggs từ tạp chí InformED về các vấn đề liên quan đến chủ đề này.
***
Trở thành chủ doanh nghiệp chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Bất kể bạn muốn tham gia vào lĩnh vực nào; tiếp thị kĩ thuật số, huấn luyện viên cho lối sống và sức khỏe, hay phát triển công nghệ blockchain, thì việc xây dựng một doanh nghiệp không còn cần đến tấm bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) truyền thống. Ngày nay, bạn chỉ cần một trang web và kiến thức cơ bản về điều hành doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một vài cột mốc và giải đáp các câu hỏi kinh điển trong hành trình kinh doanh.
Bạn sẽ chọn một dịch vụ như thế nào?
Trước hết, bạn cần phải biết mình muốn xây dựng doanh nghiệp dựa trên loại hình sản phẩm hoặc dịch vụ nào. Hãy dành thời gian để tìm hiểu xem điều gì khiến bạn thấy hứng thú. Sẽ là thông thái nếu chọn thứ gì đó không quá bị thổi phồng do quảng cáo hay chạy theo xu hướng sắp qua đi, để bạn đỡ lãng phí cả thời gian và công sức. Sau đó hãy đánh giá xem ý tưởng của mình có khả năng sinh lời hay không bằng cách xác định rõ sản phẩm/thị trường phù hợp. Hãy tự hỏi bản thân định vị giá trị, phân khúc khách hàng và kênh tiếp thị của mình là gì. Sau đó, hãy tìm ra lượng nhu cầu đối với sản phẩm của bạn là bao nhiêu và sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đó tốt tới mức nào.
Chiến lược Đại dương Xanh hay Chiến lược Đại dương Đỏ?
Khi phân tích thị trường, bạn sẽ có 2 hướng tiếp cận việc kinh doanh: sử dụng chiến lược đại dương đỏ hoặc chiến lược đại dương xanh. Đại dương đỏ là không gian thị trường đã được biết đến, hoặc tất cả các ngành công nghiệp ngày nay đang tồn tại trong không gian thị trường đó. Trong trường hợp này, bạn đang đặt doanh nghiệp của mình vào tình thế cạnh tranh với các đối thủ khác cũng có chung dòng sản phẩm giống bạn. Ngược lại, với chiến lược đại dương xanh, bạn đang tạo ra một thị trường hoàn toàn mới với sản phẩm của mình. Bạn có ít đối thủ cạnh tranh hơn vì chưa có ai bước vào thị trường của bạn. Trên thực tế, đó là “không gian thị trường không xác định”. Chiến lược đại dương xanh thường được coi là có lợi hơn nếu như bạn có thể tìm ra được một sản phẩm độc đáo đáp ứng những nhu cầu mới dành cho nó.
Tạo ra một sản phẩm khả dụng tối thiểu
Sau khi quyết định xong dòng sản phẩm/dịch vụ và đã chọn được kiểu chiến lược, bạn có thể tạo ra một sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP – Minimum Viable Product), nghĩa là sản phẩm đó có các tính năng vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu của đối tượng khách hàng thích nghi nhanh và thu thập phản hồi để phát triển sản phẩm tốt hơn trong tương lai. MVP thậm chí có thể là một trang web nơi khách hàng tiềm năng có thể mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Việc thử nghiệm MVP yêu cầu bạn áp dụng lên nhóm khách hàng mục tiêu đầu tiên và nhận được khoản thu đầu tiên của mình. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình, hỏi thêm các đánh giá từ những người cố vấn, và bắt đầu nói chuyện với các nhà đầu tư.
Bạn tìm nguồn tài chính cho doanh nghiệp của mình như thế nào?
Bạn cần tự nuôi doanh nghiệp của mình nếu như bạn mới chỉ bắt đầu và cảm thấy chưa sẵn sàng tiếp cận các nhà đầu tư. Bạn có thể dễ dàng xây dựng trang web và các kênh mạng xã hội của riêng mình. Tự nuôi ở đây có nghĩa là bạn dùng tiền tiết kiệm cá nhân vào công việc kinh doanh của mình mà không cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài hay vốn lưu động. Bạn có thể sẽ làm điều này khi mới bắt đầu tới trước lúc bạn sẵn sàng tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài. Một khi đã sắp xếp được mô hình kinh doanh và MVP, bạn có thể đăng ký xin đầu tư từ quỹ cộng đồng hoặc từ các nhà đầu tư tư nhân. Nếu có các nhà đầu tư cùng tham gia, bạn cần quyết định có cho họ sở hữu cổ phần công ty của bạn hay không. Nhược điểm của cổ phần là bạn phải cam kết chia sẻ phần lợi nhuận của mình với các nhà đầu tư ngay cả nếu tương lai bạn trở thành người sáng lập công ty khởi nghiệp kỳ lân* tiếp theo. Bạn sẽ cần lập một kế hoạch kinh doanh thật kỹ lưỡng và xin lời khuyên từ nhà tư vấn tài chính trước khi đưa ra những quyết định hệ trọng như thế này.
*Công ty khởi nghiệp kỳ lân: thuật ngữ miêu tả các công ty khởi nghiệp thành công và đạt mức giá trị trên 1 tỷ đô la
Vượt qua bài kiểm tra MOM
Khi đã hoàn thiện xong mô hình kinh doanh và thử nghiệm xong MVP của mình, bạn sẽ cần tìm hiểu xem số tiền mà khách hàng sẵn sàng trả cho dịch vụ của bạn là bao nhiêu. Một trong những dấu hiệu tốt nhất cho thấy bạn đã sử dụng đúng mô hình kinh doanh là việc khách hàng chấp nhận trả tiền cho dịch vụ ấy ở mức “vừa đủ”. Nói cách khác, họ không hoàn toàn thoải mái với giá tiền đó nhưng vẫn mua gói sản phẩm /dịch vụ của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn đang tính phí đúng với những gì mình đáng giá. Vào những giai đoạn đầu trong việc kinh doanh, những người duy nhất mua hàng của bạn có thể là FFF (“Bạn bè, Gia đình và Khách hàng dễ tính”, như người ta thường nói). Nhưng khi khách hàng của bạn vượt qua Bài kiểm tra MOM, và họ trả tiền nhiều hơn một chút so với mức giá họ muốn, thì đó chính là lúc bạn biết mình đang đi đúng hướng.
Làm thế nào để bạn biết được mình đã sẵn sàng?
Câu trả lời ngắn gọn là bạn sẽ không biết được đâu. Hầu hết các chủ doanh nghiệp thành công sẽ khuyên bạn khởi động doanh nghiệp của mình trước cả khi bản thân bạn sẵn sàng. Sẽ chẳng có cách nào để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc hành trình này, kể cả trong trường dạy kinh doanh. Hãy bắt đầu công việc kinh doanh của bạn ngay hôm nay và vừa làm vừa học. Tư duy quan trọng nhất cần có đối với một chủ doanh nghiệp là tư duy kinh doanh, nghĩa là bạn cần phải biến “sự thất bại nhanh chóng” trở thành câu cửa miệng của mình. Điều đó không có nghĩa là bạn không muốn thành công — tất nhiên là bạn muốn rồi. Điều đó có nghĩa là bạn hiểu rằng đôi khi mình sẽ thất bại, dù là do bạn chọn sai mô hình kinh doanh hay bán ở nhầm phân khúc khách hàng đi chăng nữa thì đó cũng là một phần tự nhiên của việc kinh doanh. Bạn cũng hiểu rằng nếu bạn rút ra được bài học từ những sai lầm của bản thân càng nhanh càng tốt thì đó sẽ là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công, vì vậy việc chấp nhận mạo hiểm và thử nghiệm sản phẩm sớm cần được chú tâm hơn là lê lết từng bước với những ý tưởng quá an toàn của bạn. Chính sự trau dồi tư duy này sẽ giúp bạn chuẩn bị cho việc điều hành một doanh nghiệp tốt hơn thay vì ghi nhớ từng chương của cuốn sách dạy kinh doanh.
Khởi nghiệp thì thú vị thật, và bạn có thể yên tâm rằng mình sẽ có tất cả các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết miễn sao bạn tiếp tục trau dồi kiến thức và không ngừng tìm kiếm lời khuyên từ những người đi trước. Bạn có thể bắt đầu bằng việc cân nhắc tham gia một vài khóa học ngắn hạn về quản trị kinh doanh hoặc khởi nghiệp. Một phần quan trọng khác của cuộc hành trình là tạo sự kết nối với những người cố vấn, những người có thể cho bạn vài lời khuyên khôn ngoan cũng như chuẩn bị trước cho những khó khăn mà bạn sẽ gặp phải. Hãy bắt đầu tham dự các sự kiện tạo kết nối trong giới kinh doanh tại địa phương bạn hoặc liên hệ với một doanh nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn trên LinkedIn. Dần dần bạn sẽ cảm thấy đủ tự tin để trở nên bạo dạn hơn, vì bạn biết rằng mình đã có một bệ đỡ an toàn mỗi khi vấp ngã. (mà, nếu bạn là đúng mọi thứ, thì bạn sẽ gặp phải – nhiều lần). Sự hỗ trợ từ những người khác là vô cùng quý giá ngay cả khi bạn khởi nghiệp một mình, vì vậy hãy bước ra ngoài và bắt đầu xây dựng mạng lưới kết nối cùng với doanh nghiệp của bạn.
Nguồn Saga Briggs/Managing Editor of InformED
(Source: opencolleges.edu.au)
2