Một trong những chức năng cơ bản của một trường đại học là định hướng nghiên cứu và phát triển khoa học cũng như sử dụng hợp lý “chất xám” phục vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ hay còn gọi là nguồn tài nguyên hữu hạn.
Các trường đại học muốn phát huy đẩy đủ vai trò tự chủ trong nghiên cứu khoa học thì phải tìm kiếm những nhà khoa học xuất sắc và cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ Giáo sư, giảng viên, nhà khoa học và sinh viên cùa trường để họ phát huy tối đa khả năng, nhất là tính tự chủ trong nghiên cứu khoa học.
Đó là nhận định của Giáo sư nổi tiếng Walter Climston thuộc Trường đại học New York. Đặc biệt nghiên cứu và phát triển (R&D) là yếu tố rất quan trọng trong các trường đại học tiên tiến ở Mỹ. R&D không chỉ cần thiết cho phát triển khoa học và kỹ năng nghiên cứu mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong những bước tiến mới của nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Mỹ là hiện có nhiều trường đại học duy trì bộ phận “bán” các công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ. R&D ở các trường đại học Mỹ cũng đã giúp thành lập nhiều công ty và tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.
Trong hầu hết các lĩnh vực thì R&D có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển khoa học, công nghệ và hướng nghiệp cho nhiều nhà khoa học tương lai. Ngoài ra, R&D giúp các nhà nghiên cứu định hình tầm nhìn và nhận thức đúng về các đề tài lý thuyết và phạm vi ứng dụng của chúng. R&D không chỉ giúp phát triển ứng dụng hoặc phủ định các kết quả lý thuyết mà còn truyền cảm hứng về những hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, được hình thành từ thực tế và những nhu cầu của xã hội có liên quan. Ngoài ra, R&D cũng giúp cho các nhà khoa học sinh viên dễ tìm kiếm nguồn tài trợ để nghiên cứu khoa học của mình. Thông thường, một đề án nghiên cứu, kể cả nghiên cứu khoa học cơ bản, mà có khả năng ứng dụng rộng rãi thì luôn thu hút và nhận được sự tài trợ lớn hơn các đề tài khoa học mang tính lý thuyết và khó triển khai trong thực tế. Đây cũng là vấn đề nan giải mà các trường đại học Mỹ đang phải giải quyết.
Hiện nay, nhiều nhóm sinh viên tham gia trực tiếp vào dự án R&D, công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn, cũng như góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp của khoa học, công nghệ. Đây là môi trường tốt cho các nhà khoa học kỹ sư tương lai có thêm kinh nghiệm, môi trường thực tế và phát huy năng lực sau khi ra trường. Ngoài ra, các trường đại học Mỹ luôn duy trì bộ phận nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ độc lập, trong đó tập trung hướng dẫn sinh viên chọn lựa các đề tài, lĩnh vực khoa học nghiên cứu, giúp tiếp cận các giáo sư, giảng viên có kinh nghiệm để hướng dẫn. Sau các nghiên cứu khoa học và quá trình chuyển giao công nghệ thành công thì bộ phận này giúp đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế hoặc kết nối các nguồn nhân lực, tài chính để triển khai dự án và sản xuất.
Thời gian gần đây, các trường đại học ở Mỹ thường nhận được hai nguồn tài trợ chính cho nghiên cứu khoa học của họ là các quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học quốc gia như NSF, DARPA, DoD, DoE, NIH… và các doanh nghiệp. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong các trường đại học từ các công ty tư nhân thường gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể và nhanh mang lại lợi ích cho họ. Tuy nhiên, các quỹ tài trợ khoa học quốc gia không đặt mục tiêu lợi nhuận, cho phép mở rộng nghiên cứu trên nhiểu lĩnh vực và thời gian nghiên cứu có thể kéo dài, nhưng các quỹ này cũng quan tâm về hiệu quả đầu tư và các nghiên cứu khoa học, công nghệ phải phục vụ lợi ích quốc gia, xã hội và cộng đồng. Hiện nay, nhiều quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học và các công ty nhà nước, tư nhân ở Mỹ thường có quan hệ mật thiết với các trường đại học, giáo sư và sinh viên có năng lực để đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ và giải quyết các vấn đề khoa học mà các công ty này quan tâm.
Hơn nữa, các doanh nghiệp này có thể “ứng trước vốn” để các trường đại học nghiên cứu khoa học và sáng chế do chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao. Các tập đoàn, công ty lớn như Boeing, Apple, Exxon, Google, Microsoft… còn dành khoản tiền lớn “nuôi” một số trường đại học danh tiếng và các sinh viên xuất sắc để tìm kiếm đội ngũ nhân viên chất lượng cao trong tương lai.
Ngoài việc nhận tài trợ trực tiếp từ các doanh nghiệp, các giáo sư và nhóm sinh viên trong các trường đại học cũng có thể nhận được tài trợ từ quỹ quốc gia nghiên cứu khoa học thông qua các dự án SBIR/STTR, đây là các chương trình khuyến khích các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ có rủi ro cao nhưng có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế, thương mại lớn. Từ lâu, nước Mỹ vẫn duy trì hệ thống thẩm định đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ rất khắt khe, chặt chẽ với nhiều hội đồng thẩm định, phản biện có năng lực và kinh nghiệm, nên việc “giả dối” trong nghiên cứu khoa học là rất khó xảy ra.
Theo giáo sư Walter Climston, một vấn đề rất quan trọng của các dự án R&D trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Mỹ là làm việc theo nhóm để bổ trợ cho nhau về ý tưởng, đề tài nghiên cứu… Đặc biệt, khi làm việc với các doanh nghiệp thì giáo sư, giảng viên và sinh viên học hỏi được các kỹ năng “mềm”, nhất là vấn đề kinh tế, quản lý, kinh doanh… Nhiều trường đại học Mỹ có quan hệ rất tốt với các đối tác, “Mạnh thường quân” trong nước và nước ngoài, nhất là các tập đoàn, công ty Tây Âu, nhờ đó có thể tìm được các nguồn tài trợ lớn cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của họ.
Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng môi trường đại học là nơi lý tưởng nhất có thể phát huy khả năng tự do nghiên cứu khoa học, sáng tạo độc lập và không bị áp lực bởi “tiền bạc”, danh vọng và các yếu tố xã hội khác, nên thường có những ý tưởng khoa học, công nghệ táo bạo và mang tính đột phá. Hơn nữa, các đại học Mỹ thường có đội ngũ giáo sư, giảng viên có trình độ cao, có kỹ năng nghiên cứu và luôn tiếp cận với những kiến thức mới, nhất là có lực lượng trí thức trẻ, sinh viên hùng hậu.
Nguồn: Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ KH & CN/Trung Kiên tổng hợp