Bên cạnh những cơ hội mới thì việc chuyển đến sinh sống tại một quốc gia khác thường gây nên một số khó khăn nhất định cho người nhập cư. Đặc biệt, với một quốc gia phát triển như Canada thì việc bắt nhịp cuộc sống không đơn giản chút nào. Tuy nhiên vì là một quốc gia đa sắc tộc nên Chính phủ Canada hiểu rất rõ những thách thức mà người nhập cư thường phải đối mặt. Do đó, bạn có thể an tâm rằng mọi rào cản đều có thể được gỡ bỏ nếu bạn nỗ lực và tận dụng tốt các cơ hội mà chính phủ mang lại.
Rào cản ngôn ngữ
Theo một khảo sát thực hiện ở Toronto, tỉnh Ontario, khoảng 87% người nhập cư bị từ chối việc làm vì khả năng ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, người nhập cư hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này bằng việc đăng ký theo học các chương trình cải thiện ngoại ngữ cho người nhập cư LINC (Language Instruction for Newcomers to Canada) do Chính phủ và Sở Di trú Canada tài trợ để đạt được các mức điểm CLB 5-7 hoặc 8-9, tùy theo yêu cầu của công việc.
Ngoài ra bạn có thể tìm đến một chương trình cải thiện ngôn ngữ khác là Enhanced English Training Program để tập trung cải thiện tiếng Anh chuyên ngành cho các nhóm ngành như công nghệ, kỹ sư, hành chính, dược, tài chính và marketing.
Rào cản giấy phép
Tại Canada, người nhập cư cần có một số loại giấy phép để phục vụ cho quá trình làm việc của mình. Để được cấp phép hành nghề, bạn phải liên hệ với các Hiệp hội nghề tại địa phương mình sinh sống và tìm hiểu quy trình xin giấy phép. Bạn có thể truy cập vào trang web chính thức của các Hiệp hội nghề, tìm hiếu phần Chuyên gia quốc tế có đào tạo (Internationally Educated Professionals – IEP) để được hướng dẫn quy trình xin cấp phép và các loại giấy tờ cần nộp đối với trường hợp của người nhập cư. Theo đó, quy trình cơ bản thường gồm 3 bước: đánh giá bằng cấp (thiếu bằng cấp đồng nghĩa với việc phải tham gia một số khóa học tại trường cao đẳng hoặc đại học); kiểm tra kinh nghiệm làm việc (ít nhất 1 năm làm việc ở Canada) và thi lấy giấy phép.
Hầu hết các hiệp hội ngành nghề đều cung cấp các khóa học để giúp người nhập cư lấy được giấy phép. Bạn có thể sử dụng chương trình Bridging Program để xin được giấy phép làm việc trong các ngành nghề như bác sĩ, y tá, dược sĩ, kỹ sư, điện lực, hóa học, kế toán và một số ngành khác.
Rào cản đánh giá lại bằng cấp
Vì hệ thống giáo dục của các quốc gia có sự khác biệt nên hầu hết những người nhập cư muốn sử dụng bằng cấp nước ngoài tại Canada đều phải thông qua quá trình đánh giá lại. Việc đánh giá bằng cấp thường được thực hiện trong các trường hợp:
– Tìm việc (xuất trình văn bằng trong các cuộc phỏng vấn).
– Học tập (xuất trình bằng cấp khi đăng ký học).
– Xin giấy phép hành nghề (xuất trình bằng cấp với cơ quan thẩm định nghề).
Tại Canada, việc đánh giá bằng cấp do một số cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Các bằng cấp, chứng chỉ giáo dục phải được chính cơ sở giáo dục của bạn cấp và dịch sang tiếng Anh. Bên cạnh đó, Trung tâm thông tin Canada chuyên thực hiện việc đánh giá bằng cấp quốc tế cũng sẽ hỗ trợ thường trú nhân trong quá trình xin đánh giá.
Rào cản tiếp tục học vấn
Đối với những người nhập cư không đủ trình độ học vấn hoặc bằng cấp không tương ứng các cấp độ giáo dục tương đương tại Canada thì việc đi học tại các trường cao đẳng, đại học là sự lựa chọn rất phù hợp. Tại Ontario có 29 trường cao đẳng và 19 trường đại học, đáp ứng tốt nhu cầu trang bị kiến thức, phục vụ quá trình xin việc của người nhập cư. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian học tập thì có thể chọn các trường cao đẳng. Tuy nhiên thông thường sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ có nhiều lựa chọn việc làm và mức lương hấp dẫn hơn.
Chính phủ Canada cũng có những chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên dưới hình thức khoản vay không lãi suất (hoàn trả sau khi tốt nghiệp), các quỹ học bổng và một số quỹ khác.
Rào cản văn hóa
Xã hội Canada được hình thành từ các nhóm dân cư khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo từ 150 quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một số người nhập cư mới, đặc biệt là những người không có bạn bè hay họ hàng ở Canada, những người di cư một mình hoặc tiếng Anh bị hạn chế sẽ dễ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với một nền văn hóa nhiều khác biệt, đó là lý do của hiện tượng “sốc văn hóa”.
Để giải quyết vấn đề trên, người nhập cư có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ một số cơ quan chuyên trợ giúp người nhập cư của chính phủ, ví dụ www.servicesfornewcomers.cic.gc.ca. Nhân viên của các cơ quan này sẽ trò chuyện, tư vấn và hướng dẫn người nhập cư bằng tiếng mẹ đẻ của bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các chương trình liên kết người nhập cư với các gia đình Canada bản địa hoặc các câu lạc bộ để nhanh hòa nhập với cuộc sống mới.
(nguồn IMM Immigration)
2