Tham vọng dạy trẻ thành đa chuyên gia, dạy những thứ chỉ cần tìm hiểu qua cái “bấm chuột” là những điều giáo dục cần thay đổi.
Vì sao nhiều học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 thành tích huy chương đầy mình, nhưng khi vào đại học thì cứ như gà mắc tóc? Vì sao những ngôi sao sáng thời phổ thông, đại học được báo chí địa phương ca tụng, nhưng khi bước ra đời thì loay hoay, hoang mang và lạc lõng?
Vì phần lớn những gì trẻ được học trong trường và ở nhà đang đi chậm hơn so với mức độ phát triển của thế giới tầm chục năm. Tụi nhỏ tốn 12 năm học phổ thông để rồi bước vào đại học và ra đời lắm lúc trong sự ngỡ ngàng, sụp đổ. Bao nhiêu “súng ống” thầy cô, bố mẹ chuẩn bị cho trong 12 năm qua chẳng có mấy thứ dùng được hiệu quả, trong khi đó những thứ cần để “sống sót” ngày mai nơi biển lớn lại trống huơ trống hoắc trong bộ đồ nghề xách tay của chúng.
Tất cả cũng do ba khoảng trống trong giáo dục phổ thông hiện tại mà David Perkins, một trong những người sáng lập của Project Zero – trung tâm nghiên cứu giáo dục “đỉnh” nhất của Đại học Harvard và của Mỹ, kể ra và một khoảng trống mà tôi đang nhìn thấy như cơm bữa mỗi ngày.
Khoảng trống số 1: Học gì mà bắn đại bác chưa tới
Với sự “nở nang” của tầng lớp trung lưu trong xã hội, người ta đầu tư mạnh tay vào giáo dục. Đầu tư nhiều thì ai cũng muốn “thu lời” nhiều. Cũng vì lẽ đó, sự mong đợi càng ngày càng cao chín tầng mây, dẫn đến trào lưu thị trường phải đẻ ra nhiều cơ hội cho học sinh đạt được điểm số, giải thưởng, huy chương, thành tích… ngay và luôn để bố mẹ và nhà trường yên tâm rằng đầu tư vào con trẻ đang có lời ngay tức thời.
Thế nhưng ít ai chịu nhìn sâu để thấy rằng, kiến thức, kỹ năng đang rèn cho tụi nhỏ trong cuộc chạy đua theo bao điểm số, giải thưởng, huy chương, thành tích đó, hóa ra lại chưa chắc là những thứ chúng cần để thành công sau phổ thông và trong cuộc sống. Thậm chí cái túi đồ nghề tụi nhỏ thu lượm được lại khác một trời một vực với những công cụ chúng cần sở hữu trong tương lai – nơi mà thế giới cũng sẽ thay đổi rất khác với tư duy của những người đẻ ra các kỳ thi, giải thưởng, chuẩn hóa đó.
Thử ví dụ cho dễ hiểu, giờ đây tụi nhỏ vẫn học tiếng Anh mệt nghỉ, từ cấp 2 lên cấp 3, chắc phải hàng chục tờ phiếu bài tập mỗi tuần, chỉ để nhớ mấy cái tên gọi ngữ pháp khó nhằn hay mẫu câu rập khuôn, rồi đi thi cầm về huy chương rủng rỉnh. Để rồi, xác suất chúng phải sử dụng mấy ngữ pháp đó trong đời chắc là ít hơn 1%.
Trong khi đó, kiến thức, tư duy để nói và viết tiếng Anh cho có tí “chất” cũng không thấy tỷ lệ thuận mấy theo số phiếu bài tập ngữ pháp, đánh trọng âm mà ngày ngày chúng đang quần quật căng mắt ra làm.
Và khoảng trống “bắn đại bác không tới” này hầu như là lù lù “kiên trì bám đất” ở tất cả môn học, vì tư duy của chương trình và người dạy, thậm chí của các bố mẹ, cứ y như đã đóng băng từ chục năm trước. Trong khi dòng chảy vận hành của thế giới thì đã bỏ đi xa thật xa.
Khoảng trống số 2: Cần gì học, chỉ cần… bấm chuột là ra
Giờ đây lên lớp, nhiều giáo viên gần như giảng thao thao bất tuyệt kiến thức mà theo David Perkins là dễ tìm, nhanh quên, và hời hợt – tạm gọi là kiến thức “dạm ngõ”. Giáo viên có thể bỏ chục phút, thậm chí một tiếng chỉ để giải thích định nghĩa và vai trò của chất cholesterol, ngữ pháp thì hiện tại hoàn thành, hay một chiến dịch lịch sử với những mẫu thông tin mà thật ra một đứa trẻ lớp 4-5 có thể tìm ra trong 15 giây bằng cách hỏi thăm chàng Google biết tuốt và miễn phí.
Vậy là với lượng kiến thức dạm ngõ có thể tự học trong 15 giây trong kỷ nguyên số, tụi trẻ bị “giam cầm” trong bốn bức tường cả tiếng. Để rồi những gì thầy cô giảng theo phương pháp thầy giảng trò chép gần như bị quên sạch sau vài tiếng bước ra khỏi lớp học. Khi kiểm tra, thi cử, chúng nhai đi nhai lại quá khuya, chỉ để ráng nhớ thứ kiến thức dạm ngõ hời hợt đó, để rồi lại quên.
Trong khi đó, chúng bất lực, lúng túng, mù tịt trước những câu hỏi lớn, tư duy lớn mà lẽ ra cần được “kết duyên” thật sâu trước khi bước ra khỏi ghế nhà trường. Chúng thuộc làu làu ngày tháng, lịch sử, sự kiện diễn ra từng chi tiết một, tên tướng lĩnh dẫn binh, số người chết trận, nhưng không phân tích nổi đâu mới là ngọn nguồn, bản chất của chiến tranh và hòa bình. Và nếu được hỏi các cuộc chiến trên thế giới qua bao thời kỳ có kết nối, xâu chuỗi thế nào và hình thành trật tự thế giới ra sao thì chúng đờ mặt.
Chúng làm bài tập tính toán nhiễm sắc thể cao siêu, thuộc rõ ràng đặc trưng của nhiều họ thực vật, động vật, nhưng moi móc mãi cũng không có lấy một luận điểm nào đủ chất để phân tích cái được mất của việc hoàn thành dự án bản đồ gen loài người. Thậm chí chúng cũng không biết đến dự án này, đừng nói chi là phân tích hay bình luận, hỏi sâu rộng chút là nhiều đứa ngó lơ luôn.
Chúng phân tích các thủ thuật văn học trong hàng rừng bài thơ tình và chép thuộc làu làu bối cảnh ra đời tác phẩm, tiểu sử cuộc đời tác giả. Nhưng nếu hỏi chúng tình yêu là gì và nó chiếm vai trò thế nào trong cuộc đời và thế giới, xã hội loài người và tâm hồn bản thân, chúng cũng ngắt ngư tắt đài.
Những thứ chúng đang được nhồi nhét hàng ngày, chỉ cần click chuột vài lần là ra ngay, cần gì nhớ như in. Để rồi cái “xô” đầu óc của lũ trẻ mỗi ngày càng chật kín chỗ với những điều mà cái thế giới mạng Internet còn quá thừa chỗ để chứa. Còn với những thứ mà chưa chắc hỏi anh Google là ra ngay thì cái “xô” đầu óc của chúng cứ y như bị mù chữ.
Khoảng trống số 3: Tham vọng dạy học sinh thành “đa chuyên gia”
Bao nhiêu năm qua, chương trình, nội dung, phương pháp, bài tập, kiểm tra đánh giá của nhiều môn học ở bậc phổ thông được truyền đạt đến học sinh cứ y như là 100% học sinh đều sẽ trở thành các nhà toán học, vật lý học, sinh học, ngôn ngữ học… Để rồi càng ngày, nội dung, dạng bài tập, câu hỏi càng bị phức tạp hóa, đánh đố hơn mức cần thiết, cứ y như là đang chuẩn bị cho một học sinh thành đa chuyên gia – nhà nghiên cứu cho tất cả môn học.
Vậy là đứa nào cũng căng não ra để ráng tiêu hóa theo kiểu nuốt ực, không cần nhai nội dung, bài tập đúng chất của các “nhà XYZ học”. Thật ra cũng có một nhóm nhỏ học sinh thật sự ưu tú có thể dung nạp kiểu đó. Nhưng thậm chí, những học sinh ưu tú đó nhiều khi cũng rập khuôn và chưa chắc có thể gắn kết những thứ đã học vào trong cuộc sống.
Còn phần đông học sinh, chắc phải hơn 95%, đang được dạy dỗ theo kiểu đa chuyên gia, cuối cùng chẳng dùng đến mấy thứ phức tạp đánh đố đó trong đời là bao. Vì có phải ở đời làm cái gì cũng cần đến mấy cái “đa chuyên gia” đó đâu.
Khoảng trống 4: Ngộ nhận một rừng “triết lý”
Trò chuyện với David Perkins một buổi, nghe về ba khoảng trống ông nghiệm ra, tôi “mạnh dạn” xin phép ông cho bổ sung một khoảng trống. Ông vừa nghe vừa nghĩ trầm ngâm, rồi gật đầu.
Trong một thời gian dài, giáo dục là một trong những ngành “đói” nhất vì nó ít đột phá nhất. Vậy là trong những năm gần đây, khi đời sống tốt hơn, thế giới cạnh tranh hơn, người ta cũng chú trọng giáo dục hơn. Và đó là cơ hội vàng cho một rừng “triết lý giáo dục” mọc lên như nấm sau mưa, mà phần lớn xã hội, tổ chức giáo dục đều cứ khư khư hiểu nhầm hay ngộ nhận: Sản phẩm, dịch vụ giáo dục nào nghe kêu kêu cũng có triết lý giáo dục.
Trong khi đó, chẳng một ai hiểu được rõ ràng giáo dục thật sự là gì, từ phương diện triết lý cho đến cơ sở khoa học. Một công nghệ hiện đại có thật sự giúp học sinh học tốt hơn và có tác dụng phụ đâu đó hay không khi mà chính những người đẻ ra nó còn không hiểu để một kiến thức vào đầu đứa trẻ, chúng ta cần mở những cánh cổng nào? Thầy cô và bố mẹ giờ đây cứ hay dựa dẫm, bám víu vào công nghệ mà quên mất rằng lắm lúc giáo dục tốt nhất trên thế giới này đang diễn ra ở những nơi không có lấy một thứ công nghệ nào.
Hàng chục bộ sách lung linh, đắt tiền được tậu về và quăng cho học sinh làm đi làm lại, hay chinh chiến bao trại hè, khóa học kỹ năng ngang dọc theo đúng tinh thần “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Nhưng không mấy ai chịu hiểu nhiều khi những bộ sách, khóa học, trại hè đó cũng được thiết kế theo tư duy cũ, trong khi bố mẹ, thầy cô lúc nào cũng đòi hỏi cho những đứa trẻ phải có bao nhiêu thứ thật hiện đại, kiểu như thế kỷ 21 này kia.
Hàng trăm trường học mọc lên để phục vụ nhu cầu bức bách đổi mới giáo dục của bố mẹ và của xã hội, rồi vơ tay gom về rất nhiều sản phẩm, chương trình và cứ thế đắp vào trong khung học vốn dĩ đã rất ít giờ chơi, lắm giờ học mỗi ngày của lũ trẻ. Thế nhưng, chẳng mấy ai biết rằng không phải cứ có nhiều chương trình, tên gọi hay ho là có thể làm cho tụi nhỏ chuyển hóa được hết thành tài sản lâu dài. Cứ hình dung, dắt một đứa trẻ vào trung tâm mua sắm và thả nó ở đó cả ngày, mỗi cửa hàng một kiểu lợi ích ưu tiên, chẳng ai đồng lòng trông chừng đứa trẻ và nó thật sự cần gì, thì xem thử nó có đi lạc hay gặp tai nạn ở đâu đó không?
Ôm về một rừng triết lý mà chúng ta không hiểu bản chất của việc học, tư duy đón nhận kiến thức thế nào, động lực học của trẻ đến từ đâu, giáo dục thật sự cần tiếp cận hướng gì… thì sự thật là, cái gì nhìn tụi nhỏ cũng có, nhưng thật ra chẳng có cái gì thật sâu. Mọi thứ phết lên người đứa trẻ cứ y như là cho nó chạy một vòng Color Run, chạy xong về nhà là trên người có một đống màu lung linh rất đẹp, chụp ảnh đưa lên mạng chắc cũng được “triệu like”, nhưng đi tắm vài phút ra là bao nhiêu màu lại bay đi đâu mất.
Giáo dục giờ đây nhiều khi nó “trống” như thế đó.
Chính những khoảng trống to đùng này trong nhận thức của không ít nhà trường, thầy cô, bố mẹ và thậm chí là truyền thông mới dẫn đến việc giáo dục phổ thông, thậm chí là bậc đại học, giờ đây đang không bắt kịp tốc độ vận hành và thay đổi của thế giới.
Vì vậy, đầu óc của nhiều đứa trẻ giờ đây cứ y như là không nạp được cái gì khác ngoài kiến thức thi rồi là quên, thủ thuật giải đề xong là hết, và những kỹ năng phẩm chất gắn mác lên người chúng như đi gom hàng xả Tết.
Và rồi khi chúng thật sự ra biển lớn hay bước vào đời, cái thế giới mai kia mà chúng phải sống và hy vọng làm chủ lại như là một thứ ngôn ngữ mà chúng chẳng biết học thế nào. Tất nhiên, rồi chúng cũng phải gồng mình lên mà học thôi, nhưng khi học hành thành thạo rồi thì lúc đó thế giới lại ra một kiểu khác.
Theo Nguyễn Chí Hiếu (Vnexpress)