Thuộc top 1% điểm SAT cao nhất, GPA 3.95/4 cùng 11 chứng chỉ AP xuất sắc, Kaitlyn vẫn bị các đại học top đầu Mỹ từ chối trong kỳ tuyển sinh khốc liệt nhất lịch sử.
Từ năm lớp 3 khi bắt đầu học đại số, Kaitlyn Younger, 18 tuổi, sống tại Dallas (bang Texas), luôn là học sinh xuất sắc.
Trong năm nhất ở trường phổ thông McKinney, cô bắt đầu học khóa AP đầu tiên (Advanced-Placement). Đây là những khóa học đại cương theo chương trình cử nhân, giúp học sinh phổ thông làm quen hoặc học trước một số môn trong năm nhất đại học. Năm hai phổ thông, Kaitlyn đạt 1550/1600 điểm (thuộc top 1%) SAT, bài thi có giá trị sống còn trong tuyển sinh đại học ở Mỹ. Cô tốt nghiệp với điểm trung bình 3.95/4.0, cùng 11 chứng chỉ AP với điểm gần tuyệt đối.
Với hoạt động ngoại khóa, Kaitlyn sáng lập câu lạc bộ kế toán của trường, biểu diễn và đạo diễn 30 vở kịch, tham gia đội hợp xướng và hỗ trợ tổ chức một trại hè trong khi vẫn làm thêm. “Em ấy thật xuất chúng”, Jeff Canmore, cố vấn của Kaitlyn ở trường phổ thông McKinney, nói.
Với thành tích tốt, Kaitlyn nộp hồ sơ vào các đại học top đầu của Mỹ trong kỳ tuyển sinh mùa thu 2021. Kết quả lần lượt tới vào tháng 4, và hàng loạt trường Stanford, Harvard, Yale, Brown, Cornell, Pennsylvania, Nam California, California (Berkeley), Northwestern từ chối cô. “Em biết mình sẽ trượt nhiều trường, nhưng không nghĩ tình hình tệ thế này”, cô nói.
Kaitlyn chỉ là một trong những học sinh xuất sắc đang “bơi” trong đống thư từ chối của các đại học cạnh tranh bậc nhất, trong năm tuyển sinh khốc liệt nhất lịch sử. Những học sinh xuất sắc kia chỉ có chưa đến một tháng để xác nhận đăng ký nhập học ở những ngôi trường hiếm hoi nhận các em.
Trong hơn 61.000 hồ sơ, Harvard chỉ nhận 1.954 sinh viên, khiến tỷ lệ chấp nhận thấp kỷ lục – 3,19%. Năm ngoái, tỷ lệ chấp nhận 3,43% được coi là mức thấp nhất lịch sử của Harvard, nhưng đã bị mức 3,19% năm nay soán ngôi. Tương tự, Đại học Columbia và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng có tỷ lệ chấp nhận chưa đến 4% – thấp kỷ lục.
Tỷ lệ chấp nhận của đa số đại học Mỹ giảm do lượng hồ sơ nộp vào tăng mạnh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh không biến động đáng kể. Harvard, Columbia nhận khoảng 40.000 hồ sơ vào năm 2020, sau đó lên mức hơn 61.000 năm 2022, tăng 50%. MIT cũng tăng gần 70% hồ sơ, từ 20.075 năm 2020 lên 33.976 năm 2022. Northeastern nhận từ 64.000 lên 91.000 hồ sơ, tăng 44%.
Một trong những lý do giải thích sự tăng trưởng hồ sơ ở các đại học top đầu là các trường không còn yêu cầu chứng chỉ quốc tế, giúp nhiều học sinh đủ điều kiện hơn trước. Do đó, các em đều tìm cơ hội vào trường top đầu với chất lượng giáo dục “không cần bàn cãi”. Điều này càng làm tăng sự phân hóa giữa các đại học Mỹ. Trong khi các trường danh tiếng quá tải với lượng hồ sơ kỷ lục, những đại học ít tên tuổi hơn lại không có đủ sinh viên.
Số lượng ứng viên kỷ lục khiến ban tuyển sinh ở các đại học hàng đầu chỉ dành vài phút để sàng lọc một hồ sơ. Do vậy, để vượt qua ải này, học sinh sẽ phải thật sự nổi bật.
Trong 55.000 hồ sơ nộp vào Đại học Pennsylvania năm nay, tăng gần 30% so với hai năm trước, nhiều hồ sơ có cả “giải thưởng quốc gia và quốc tế cho nghiên cứu có đóng góp học thuật, giúp mở rộng hiểu biết chuyên môn của ngành”, cô Whitney Soule, hiệu phó và trưởng ban tuyển sinh, thông báo trên trang thông tin chính thức của trường.
Với những học sinh như Kaitlyn, xác suất trúng tuyển của cô không cao. Cô xuất thân từ một gia đình trung lưu da trắng, học phổ thông tại trường công lập ở Texas và theo đuổi nhóm ngành kinh doanh. Kaitlyn chỉ là một trong hàng nghìn học sinh thuộc nhóm đa số ở Mỹ, theo nhận định của Sara Harberson, cựu chuyên viên tuyển sinh Đại học Pennsylvania.
Theo nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Mỹ năm 2019, gần một nửa sinh viên da trắng được tuyển vào Harvard từ 2009 đến 2014 đều thuộc một số trường hợp đặc biệt như vận động viên nhận học bổng, có phụ huynh là cựu học sinh, đang công tác hoặc từng đóng góp đáng kể cho trường.
Ở Harvard, tỷ lệ học sinh nghèo xuất sắc được nhận là 24%. “Tầng lớp trung lưu thường bị thờ ơ”, Hafeez Lakhani, một cố vấn tuyển sinh đại học ở New York, nhận định. “Nếu vào 20 năm trước, Kaitlyn Younger khả năng cao sẽ được một trường Ivy League nhận”.
Bố mẹ của Kaitlyn lần lượt theo học tại Đại học Oklahoma và Đại học Công lập Montclair ở New Jersey. Dù đều là đại học có chất lượng tốt, đây không phải những trường đứng đầu về danh tiếng cũng như chất lượng giáo dục ở Mỹ. Điều này đồng nghĩa Kaitlyn không có bất cứ mối quan hệ nào với các giáo sư hay cựu sinh viên ở những đại học hàng đầu. Cô cũng không có điều kiện thuê cố vấn tuyển sinh độc lập để giúp làm nổi bật hồ sơ cá nhân.
Trường phổ thông của Kaitlyn nằm ở McKinney, bang Texas, một khu ngoại ô đang phát triển nhanh, cách thành phố Dallas 30 dặm (gần 50 km). Hàng năm, chỉ hơn một nửa số học sinh của trường học đại học, chủ yếu là các trường công lập ở Texas vì học phí thấp so với học ngoại bang. Trong thập kỷ vừa qua, chỉ hai học sinh của trường học tại Yale và Princeton.
Theo mẹ của Kaitlyn, bà Debra Younger, cô tập trung và nỗ lực một cách phi thường từ nhỏ. Năm bảy tuổi, Kaitlyn phải điều trị tâm lý. Vào cấp hai, cô là học sinh nữ duy nhất theo đuổi môn toán cao cấp. Điều này khiến Kaitlyn bị cô lập trong lớp học và trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Năm lớp 11, cô đăng ký chương trình điều trị tâm lý trong hai tháng. Thời gian học chỉ còn hai tiếng mỗi ngày nên điểm các môn AP của Kaitlyn không cao như trước, chỉ còn khoảng 89% ở các môn Văn học, Lịch sử. Cô tốt nghiệp hạng 23 trên 668, thuộc top 3% cao nhất trường. Trong hồ sơ đại học, Kaitlyn giải thích điểm B nhận được là do các vấn đề tâm lý, gồm cả trầm cảm và lo lắng.
Tất cả trường không nhận Kaitlyn đều từ chối bình luận về hồ sơ của cô cũng như tỷ lệ tuyển sinh, bởi họ không có quyền và nghĩa vụ làm việc này, cũng để bảo vệ quyền riêng tư của học sinh.
Jon Burdick, hiệu phó phụ trách tuyển sinh ở Cornell, nói rằng trường đang cố tăng chỉ tiêu đại học lên 1.000. “Chúng tôi biết rằng hầu hết học sinh bị chối đều có khả năng thành công ở Cornell. Dù vậy, chúng tôi rất tiếc khi phải làm các em thất vọng”, thầy Burdick nói.
Kaitlyn không thể biết chắc lý do mình bị từ chối, nhưng cô có thể đoán do ảnh hưởng của hai điểm B đã nhận trong năm trước, cũng như việc cô không thuộc các nhóm thiểu số trong xã hội.
Giới tính cũng là một trong các yếu tố quyết định. Phụ nữ Mỹ học đại học nhiều hơn nam giới, trong khi các trường muốn duy trì cân bằng giới tính. Do đó, học sinh nữ phải cạnh tranh khốc liệt hơn các bạn nam để trúng tuyển.
Cô Harberson cũng cho rằng dù thành tích của Kaitlyn ở trường phổ thông rất xuất sắc, điều đó là chưa đủ để nổi bật trong nhóm thí sinh đăng ký vào các đại học Ivy League danh giá.
Trong 12 trường Kaitlyn đăng ký, cô vào danh sách chờ của Đại học Rice và trúng tuyển Đại học Texas ở Austin. Tuy nhiên, cô không được nhận vào trường kinh doanh của các đại học này như kỳ vọng. Kaitlyn quyết định nhập học Đại học bang Arizona để theo ngành kinh doanh, có học bổng. Năm ngoái, trường có tỷ lệ trúng tuyển lên tới 88%.
Với Kaitlyn, nếu có thể làm lại, cô vẫn nỗ lực như vậy nhưng sẽ không đặt quá nhiều áp lực lên bản thân. “Ngày trước, nếu được điểm thấp hơn 95%, em rất buồn vì nghĩ mình không đạt được tiêu chuẩn mà các đại học hàng đầu kỳ vọng” Kaitlyn nói. “Tất cả những áp lực kia đều không đáng. Em muốn nỗ lực hết mình, nhưng em không muốn phải chịu những vấn đề tâm lý mà quá trình nộp hồ sơ đem lại”.
Nguồn: Vnexpress/Phan Nghĩa (Theo Wall Street Journal)
1